
Tại sự kiện Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định quan điểm nhất quán của tỉnh: Doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực KHCN, phải trở thành lực lượng chủ công trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ và kiến tạo giá trị bền vững.
Bắc Ninh đã liên tục đi đầu trong phát triển kinh tế-xã hội, thu hút FDI
Thời gian qua, Bắc Ninh không ngừng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, bình đẳng và an toàn.
Cộng đồng KHCN trên địa bàn đã không ngừng lớn mạnh, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng thành tựu công nghệ mới như AI, công nghệ sinh học, tự động hoá,…
Giai đoạn 2020-2024, số doanh nghiệp thành lập mới bình quân là 2.947 doanh nghiệp/năm. Mức tăng doanh nghiệp trung bình hằng năm từ 10-15% trong 5 năm gần đây phản ánh sức hút đầu tư mạnh mẽ và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với tỉnh. Cũng tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành, lãnh đạo Tổ hợp Samsung Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân đã cùng luận bàn, đóng góp ý kiến về các nút thắt cần tháo gỡ để phát triển doanh nghiệp KHCN, cơ chế đặc biệt, giải pháp tăng tỷ trọng và hàm lượng công nghệ,…
Tại sự kiện, nhận định thế giới đang trải qua giai đoạn chuyển đổi sâu rộng, nơi những lĩnh vực công nghệ chiến lược đang thay đổi căn bản cấu trúc của nền kinh tế và định hình lại chuỗi giá trị toàn cầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phân tích một số xu hướng lớn về FDI và phát triển KHCN, ĐMST.
Đó là: Dòng vốn FDI cho các ngành kinh tế số, KHCN, ĐMST ngày càng gia tăng; FDI trong các ngành kinh tế xanh tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu; các yếu tố địa chính trị đang định hình lại xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI; việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ chiến lược đòi hỏi các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư phải đa dạng và sáng tạo hơn nữa để bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút FDI; cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nước về nguồn lực cho phát triển lĩnh vực KHCN, ĐSMT; chính phủ các nước đang đẩy mạnh hợp tác công-tư, đặc biệt là huy động sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân với tham vọng dẫn dắt lĩnh vực KHCN, ĐMST, chuyển đổi số, đặc biệt là trong các ngành chiến lược như bán dẫn, AI...
Trong bối cảnh đó, Bắc Ninh đã liên tục đi đầu trong phát triển kinh tế-xã hội, thu hút FDI, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa – đang trở thành "tổ ấm" hội tụ nhiều "đại bàng" công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Canon, Foxconn… Nguồn lực 21.000 doanh nghiệp, tổng vốn điều lệ trên 400.000 tỷ đồng là minh chứng rõ nét cho một hệ sinh thái công nghiệp năng động, đổi mới sáng tạo và hội nhập sâu rộng.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp tư nhân của Bắc Ninh đã vươn mình mạnh mẽ, đầu tư bài bản vào R&D, ứng dụng công nghệ 4.0, mô hình quản trị hiện đại để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu - từ cơ khí truyền thống vươn lên làm chủ công nghệ sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn, sản phẩm AI, thiết bị tự động hóa...
"Những cái tên như Thành Đồng, Hanel PT, Hanpo Vina, Innotek, Autotech… không chỉ làm nên niềm tự hào của địa phương, mà còn là hình mẫu truyền cảm hứng cho khu vực tư nhân cả nước", Phó Thủ tướng khẳng định.
6 điểm Bắc Ninh cần tập trung trong thời gian tới
Để Bắc Ninh tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh tập trung một số phương diện.
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bắc Giang để định hướng phát triển tỉnh Bắc Ninh mới (sau hợp nhất) trở thành cực tăng trưởng kinh tế của vùng và cả nước. Đồng thời, định hình mô hình phát triển kinh tế tri thức - công nghệ cao - dịch vụ hiện đại, gắn với tầm nhìn đến năm 2045, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ tri thức và ĐMST của vùng Thủ đô mở rộng.
Thứ hai, tiếp tục quan tâm phát triển nền công nghiệp xanh, sạch, hiện đại, dựa trên KHCN và ĐMST; tận dụng hiệu quả dư địa phát triển, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối liên tỉnh, liên vùng và quốc tế, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Gia Bình trong tương lai và hệ thống kết nối liên quan.
Trong đó, phải bảo đảm KHCN và ĐMST cần được lan tỏa sâu rộng, để KHCN không chỉ là "sân chơi" của các tập đoàn lớn, mà phải lan tỏa tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từng hộ kinh doanh, từng cá nhân, doanh nhân và cả cộng đồng khởi nghiệp. Đây chính là yếu tố sẽ giúp gia tăng năng suất và thúc đẩy liên kết giữa các khu vực của nền kinh tế.
Thứ ba, chủ động đề xuất và thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cho phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp công nghệ cao; tăng cường năng lực quản trị công, phát triển chính quyền số và ứng dụng dữ liệu lớn trong điều hành phát triển.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển các mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh.
Thứ năm, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, hình thành hệ sinh thái công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết từ nhà máy đến phòng thí nghiệm, từ doanh nghiệp tới giảng đường.
Thứ sáu, hình thành các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Bắc Ninh, Phó Thủ tướng đề nghị đầu tư theo chiều sâu, nâng cao năng lực R&D, chuẩn hóa quản trị, phát triển thương hiệu và thực hành đạo đức kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội; chủ động hội nhập và nâng tầm vị thế; mạnh dạn, tiên phong chuyển đổi công nghệ, nâng chuẩn chất lượng và đầu tư chiến lược vào nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp FDI; tích cực tham gia vào quá trình phản biện; nuôi dưỡng tinh thần ĐMST;…
Đặc biệt, chính quyền tỉnh cần chủ động xây dựng nhiều chương trình cụ thể hơn nữa để doanh nghiệp Việt Nam được tham gia sâu trong chuỗi giá trị, không chỉ sản xuất bao bì đóng gói hay thu gom xử lý chất thải mà phải tham gia vào khâu thiết kế với công nghệ, hàm lượng cao hơn, tạo giá trị tốt hơn.
Phó Thủ tướng tin tưởng Bắc Ninh sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy mạnh mẽ giá trị truyền thống, bề dày lịch sử, cùng bản sắc văn hoá đặc sắc, đồng thời khơi dậy tinh thần ĐMST trong kỷ quyên mới, tạo nên động lực bứt phá để hiện thực hóa khát vọng phát triển, trở thành trung tâm ĐMST hàng đầu cả nước và viết nên "Kỳ tích sông Cầu".
Trong khuôn khổ Chương trình, một điểm nhấn đặc biệt là Lễ ra mắt 5 Ban Liên lạc các hội, hiệp hội doanh nghiệp KHCN trên địa bản tỉnh. Đây là bước đi quan trọng nhằm xây dựng một hệ sinh thái KHCN toàn diện, nơi các doanh nghiệp được kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành.
Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 7 doanh nghiệp tiêu biểu. Trong đó, 3 doanh nghiệp trong nước đầu tư vào Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng công nghiệp với tổng vốn đầu tư 4.182 tỷ đồng (tương đương 167 triệu USD).
Cùng với đó, tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn 50 triệu USD; cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 2 doanh nghiệp với tổng số vốn tăng thêm 639,1 triệu USD. Như vậy, thông qua trao Giấy chứng nhận đầu tư hôm nay, tỉnh Bắc Ninh "đón" số vốn hơn 856,1 triệu USD; nâng tổng vốn đầu tư đăng ký từ đầu năm 2025 đến nay đạt 2,69 tỷ USD. Đây là những con số ấn tượng về thu hút đầu tư và Bắc Ninh tiếp tục khẳng định thương hiệu là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu lớn trong và ngoài nước.