Hạnh phúc khi thấy người bệnh hồi phục
Tại lễ kỷ niệm Ngày quốc tế điều dưỡng (12/5), do Bệnh viện K tổ chức, điều dưỡng Bùi Văn Quyền chia sẻ, đến nay, anh có 17 năm gắn bó với những người bệnh nặng, cần chăm sóc hồi sức tích cực. Nhiều người ví, vào khoa Hồi sức tích cực bệnh nặng "chín phần chết, một phần sống", vì thế, sự chăm sóc y tế càng đặc biệt chỉn chu.
"Dù có vất vả, nhưng sự hồi phục của người bệnh là phần thưởng xứng đáng nhất cho các nhân viên y tế, trong đó có điều dưỡng chúng tôi", anh Quyền chia sẻ.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện K (Ảnh: Trần Mạnh).
Chia sẻ về công việc thường ngày, anh Quyền cho biết, mỗi ngày các anh chăm sóc bệnh nhân thở máy, lọc máu, bệnh nhân hạ thân nhiệt... vì thế việc chăm sóc cần tỉ mỉ, chỉn chu và sát sao.
Nhất là chăm sóc bệnh nhân hồi sức tích cực trên nền bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ung thư giai đoạn cuối, thì bác sĩ, điều dưỡng không chỉ chăm sóc về y khoa, mà còn phải là người tư vấn tâm lý cho người nhà bệnh nhân.
"Bệnh nhân ung thư sau hóa chất và xạ trị, họ suy kiệt về sức khỏe, về tâm lý. Chúng tôi rất chia sẻ với người bệnh, chỉ biết tập trung tốt nhất về chuyên môn, để chăm sóc người bệnh tốt nhất", điều dưỡng Quyền nói.
Anh Quyền chia sẻ, ở bên chăm sóc người bệnh những giây phút sinh - tử, anh rất xúc động (Ảnh: Trần Mạnh).
Anh kể, trong công việc hằng ngày của mình thì chứng kiến rất nhiều giây phút cận tử. Trong đó, trường hợp nam thanh niên 17 tuổi khỏe mạnh, bỗng dưng ngừng tim trong phòng trọ khi đang chăm sóc người nhà khiến anh nhớ mãi.
Nam thanh niên bất ngờ ngừng tim ở phòng trọ. Được đưa vào Bệnh viện K, các bác sĩ cấp cứu, ép tim liên tục khoảng 1 giờ thì có nhịp tim trở lại, sau đó được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai để đặt máy tạo nhịp.
Khi nam thanh niên quay lại, gặp các y bác sĩ, điều dưỡng, mắt anh cay xè vì xúc động, thấy một người tưởng đã ra đi giờ khỏe mạnh đứng đó. "Đó là niềm vui, và cũng là niềm tự hào của tập thể khoa Hồi sức tích cực", anh Quyền nói.
Theo anh Quyền, đây là một trường hợp rất may mắn bởi vì bình thường đối với những bệnh nhân ngừng tuần hoàn 1 tiếng cấp cứu, cơ hội sống còn rất ít. Nhưng rồi bệnh nhân trở lại khỏe mạnh bình thường.
Hay có trường hợp bệnh nhân trước khi đặt nội khí quản, mong muốn trước khi đặt được nói với người nhà vài điều, vì họ sợ, mãi mãi không tỉnh lại nữa, cũng khiến những người làm nghề y xúc động.
Trường hợp của cô bé Hải An cũng khiến anh Quyền nhớ mãi. Bệnh nhi ung thư giai đoạn cuối, nằm ở khoa Hồi sức tích cực, cơ hội sống cứ dần xa. Mẹ cô bé đã thủ thỉ với con, để rồi 2 mẹ con có quyết định cao cả, hiến giác mạc để đem lại ánh sáng cho người bệnh mù.
Anh Quyền chia sẻ thêm, gắn bó với nghề điều dưỡng mấy chục năm, anh nhận thấy quan trọng nhất của người điều dưỡng là yêu nghề. Thứ hai, đừng suy nghĩ mặc cảm, khi thấy bệnh nhân đến bệnh viện thì cũng chỉ quan tâm đến bác sĩ, trong khi điều dưỡng là người tiếp xúc với bệnh nhân nhiều nhất, từ sáng đến đêm, theo dõi tình trạng người bệnh để kịp thời phát hiện bất thường báo với bác sĩ.
"Nhiều người sẽ thấy tự ti, mặc cảm, nhưng mình cho rằng để chăm sóc, điều trị người bệnh, mỗi người lại là một vị trí không thể thiếu, thiếu mắt xích nào sẽ ảnh hưởng chung cả quá trình điều trị", anh Quyền nói.
Trong quá trình điều trị người bệnh, không ít lần anh gặp người nhà bệnh nhân xúc phạm nói to tiếng, có những lời lẽ thiếu kiểm soát. Nhưng là nhân viên y tế, mình chỉ có thể giải thích về chuyên môn để người nhà bệnh nhân hiểu.
"Có những trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu phổi thì cái đấy gần như bác sĩ không thể biết trước được. Người nhà thắc mắc, vì sao bố họ đang khỏe lại bị khó thở, lại phải cấp cứu, rất dễ xảy ra bức xúc", điều dưỡng Quyền nói.
Công việc bé nhỏ nhưng ý nghĩa lớn
Chị Nguyễn Thị Thúy Hồng đã có thâm niên 28 năm làm điều dưỡng, gần nhất chị gắn bó với nghề điều dưỡng Ngoại thần kinh.
Theo điều dưỡng Hồng, với đặc thù là bệnh nhân ung thư, điều dưỡng phải theo dõi quá trình sử dụng hóa chất, theo dõi diễn biến liên quan hóa chất, liên quan sau phẫu thuật ngoại khoa, theo dõi sát diễn biến của người bệnh.
"Bệnh nhân có thể đột nhiên thay đổi ý thức, nếu được cấp cứu kịp, cơ hội sống sẽ cao hơn. Hay khi bệnh nhân lên cơn co giật, thường người nhà bệnh nhân sẽ không biết là sẽ làm gì. Được điều dưỡng xử lý tốt, bệnh nhân phục hồi trở lại rất nhanh, không có biến chứng", điều dưỡng Hồng chia sẻ.
Điều dưỡng Hồng thăm hỏi bệnh nhân sau phẫu thuật (Ảnh: Trần Mạnh).
Điều dưỡng Hồng cũng đánh giá, sự phối hợp giữa điều dưỡng, bác sĩ là rất quan trọng trong quá trình chăm sóc người bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân có diễn biến xấu, điều dưỡng không kịp thời phát hiện để báo bác sĩ sớm, tình trạng bệnh nhân sẽ nặng nề, cơ hội sống sẽ giảm rất nhiều.
"Vì thế, dù là công việc, vị trí rất nhỏ bé, nhưng khi mình làm được, mình lại thấy ý nghĩa rất lớn trong công việc của mình", chị Hồng chia sẻ.
Theo Bộ Y tế, điều dưỡng được công nhận là người hành nghề có tính độc lập cao, giữ vai trò then chốt trong chăm sóc sức khỏe và củng cố hệ thống y tế.
Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam cần khoảng 260.000 điều dưỡng, nhưng hiện tại mới chỉ có 150.000, dẫn đến thiếu hụt nhân lực trong ngành.
Theo Bộ Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 lần đầu quy định điều dưỡng là người hành nghề có tính độc lập cao, khẳng định vai trò trung tâm trong chăm sóc bệnh nhân, thúc đẩy mô hình chăm sóc toàn diện, đa ngành.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới khẳng định điều dưỡng là bộ phận sống còn của hệ thống y tế. Tại Việt Nam, điều dưỡng chiếm 60-70% nhân lực tại các cơ sở y tế và là lực lượng gắn bó thường xuyên nhất với người bệnh suốt quá trình điều trị.
Ngày 12/5 hàng năm được chọn là Ngày điều dưỡng quốc tế nhằm tôn vinh những đóng góp không thể thay thế của đội ngũ này.
Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/xuc-dong-cham-soc-nguoi-benh-nhung-giay-phut-sinh-tu-a237204.html