Mỹ - Trung sắp có động thái đầu tiên kể từ cuộc chiến thuế quan, hé lộ nhân sự "rắn" của Bắc Kinh

Mặc dù ông Trump tuyên bố Trung Quốc rất muốn có một thỏa thuận, chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẵn sàng và có khả năng chịu đựng đau đớn lâu hơn Nhà Trắng".

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Donald Trump, các nhà đàm phán thương mại Mỹ đã gặp một người đối thoại quen thuộc ở Trung Quốc: Lưu Hạc, vị cố vấn nói tiếng Anh, tốt nghiệp Harvard của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Lưu Hạc có quan điểm ủng hộ nhiều cải cách kinh tế.

Hiện tại khi Mỹ - Trung chuẩn bị đàm phán để tránh cuộc chiến thương mại toàn diện, phái đoàn của Bắc Kinh sẽ do phó thủ tướng He Lifeng (Hà Lập Phong) dẫn đầu, một người được dự đoán sẽ kiên quyết phản đối cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump.

Ông ấy có thể sẽ là một người đối thoại khó khăn hơn đối với người Mỹ, Andrew Gilholm, người đứng đầu bộ phận phân tích Trung Quốc tại công ty tư vấn Control Risks cho biết.

Trong khi ông Trump tuyên bố hôm 8/5 rằng "Trung Quốc rất muốn đạt được một thỏa thuận", Gilholm nói thêm rằng "Trung Quốc sẵn sàng và có khả năng chịu đựng đau đớn lâu hơn Nhà Trắng".

Ông He Lifeng sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent và đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer tại Geneva vào thứ Bảy trong các cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên, trực tiếp kể từ khi Tổng thống Trump áp dụng hàng loạt mức thuế vào tháng trước. Kể từ đó, 2 nước đã liên tục tăng thuế, đe dọa sẽ áp đặt lệnh cấm vận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông He, 70 tuổi, là một phần của nhóm cán bộ cốt cán. Ông đã làm việc dưới quyền ông Tập Cận Bình tại tỉnh Phúc Kiến. Năm 2023, ông nhậm chức phó thủ tướng.

Neil Thomas, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện nghiên cứu chính sách Asia Society, cho biết mối quan hệ chặt chẽ này là "tích cực" cho các cuộc đàm phán. 

Thomas cho rằng việc ông He Lifeng thân cận với ông Tập Cận Bình khiến các cuộc đàm phán này thành công và đại diện một cách đáng tin cậy cho hướng đi mà ông Tập Cận Bình muốn thực hiện trong quan hệ Mỹ - Trung.

Ông đã tổ chức hàng chục cuộc họp với các quan chức nước ngoài và lãnh đạo doanh nghiệp trong những tháng gần đây, bao gồm chủ tịch Goldman Sachs John Waldron, chủ tịch Pfizer Albert Bourla, ông chủ Apple Tim Cook và nhà sáng lập Nvidia Jensen Huang.

Theo một nguồn tin, ông dần tỏ ra thoải mái hơn và thông điệp của ông đã trở nên "thân thiện hơn" khi Bắc Kinh thúc giục các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ giúp gây ảnh hưởng đến Nhà Trắng trong việc hạ nhiệt căng thẳng.

Ông được coi là "nhà kỹ trị Trung Quốc nguyên mẫu", thân thiện, nhưng tự tin vào sức mạnh của Trung Quốc.

Một doanh nhân khác quen thuộc với ông He mô tả ông là người ủng hộ "trung thành" các doanh nghiệp nhà nước tạo thành nền tảng cho chính sách kinh tế.

 

Minh Khôi

Theo Financial Times

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/my-trung-sap-co-dong-thai-dau-tien-ke-tu-cuoc-chien-thue-quan-he-lo-nhan-su-ran-cua-bac-kinh-a236853.html