Một liên minh đặc biệt vừa ra mắt, giúp Việt Nam có lực lượng tinh nhuệ để thắng "cuộc chiến" mới

Chủ tịch FPT tâm đắc với việc Nghị quyết 68-NQ/TW nêu rõ: "Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế".

Một liên minh đặc biệt vừa ra mắt, giúp Việt Nam có lực lượng tinh nhuệ để thắng "cuộc chiến" mới- Ảnh 1.

Đó là phát biểu đáng chú ý của Chủ tịch HĐQT FPT - ông Trương Gia Bình trong Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia & Lễ ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW do Tập đoàn FPT tổ chức vào hôm qua (07/05).

"TRONG CUỘC CHIẾN MỚI, VIỆT NAM CHỈ CÓ THỂ THẮNG BẰNG TRI THỨC, CÔNG NGHỆ"

Khi nói tới Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, ông Bình nhấn mạnh vào nội dung quan trọng mà nghị quyết đề cập: " Doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế."

Câu nói ấy làm ông Bình nhớ đến những chuyện lịch sử . Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: "Nếu quá khứ có Điện Biên Phủ thì thanh niên Việt Nam ngày nay sẽ lập nên những chiến thắng vẻ vang mới." Và ông Bình nhận định: "Hôm nay, điều đó đang dần trở thành hiện thực".

Theo người đứng đầu FPT, chúng ta muốn sánh vai với các dân tộc tiên tiến trên thế giới, chúng ta cần thắng trong một cuộc chiến mới – cuộc chiến giành thắng lợi bằng tri thức, bằng công nghệ.

Một liên minh đặc biệt vừa ra mắt, giúp Việt Nam có lực lượng tinh nhuệ để thắng "cuộc chiến" mới- Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình.

" Chúng ta phải tạo ra những thế hệ trẻ có kiến thức, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo, phát huy sức mạnh toàn dân – như từng làm trong kháng chiến. Từ trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến giới trẻ – tất cả cần cùng nhau đổi mới, dấn thân vì sự phát triển của dân tộc".

Để làm tốt điều đó, chính các bạn trẻ, thế hệ học sinh, sinh viên phải thành thạo công nghệ, thông thạo ngoại ngữ, có khả năng làm việc với những chuyên gia hàng đầu thế giới. Có như vậy, trong thế giới hiện tại, họ sẽ không còn lo lắng AI sẽ cướp đi việc làm, đưa đất nước vươn lên, trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực quản trị và trí tuệ nhân tạo.

"TẠO XUNG LỰC MỚI CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUỐC GIA BẰNG LIÊN MINH NHÂN LỰC"

Nói về bức tranh của Việt Nam hiện tại, ông Bình cho rằng những thay đổi quyết liệt đang diễn ra và điều đáng kinh ngạc là chúng lại diễn ra một cách thần tốc. " Không có nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện được cải cách hành chính với tốc độ và quy mô như vậy. Đó chính là niềm tin vào Việt Nam – một đất nước đang vươn lên mạnh mẽ", ông Bình nói.

Với tốc độ phát triển như vậy, chúng ta buộc phải “vừa chạy vừa xếp hàng” – kể cả trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nghị quyết 57 đã không dừng ở một con số mà trở thành biểu tượng của các Nghị quyết mới, có tính chiến lược, đột phá, làm thay đổi căn bản bộ mặt quốc gia. Điều đó đặt ra yêu cầu phải đào tạo gấp, đào tạo thực tiễn, đào tạo trong thời gian chưa từng có tiền lệ. Và ông Bình cho rằng, để hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết 57, chúng ta cần kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ tham gia Liên minh Nhân lực Chiến lược, mục tiêu đến 2045, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhà quản trị và nhà khoa học tầm cỡ thế giới, góp phần xây dựng quốc gia phát triển dựa trên khoa học và công nghệ.

Một liên minh đặc biệt vừa ra mắt, giúp Việt Nam có lực lượng tinh nhuệ để thắng "cuộc chiến" mới- Ảnh 3.

Tại sự kiện, đại diện 5 học viện, đại học và trường đại học hàng đầu đã tham gia ký kết thành lập liên minh này, bao gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Kỹ thuật mật mã; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học FPT. Liên minh có sự tham gia của các bên với những ưu điểm khác nhau sẽ là một cú hích lớn, góp phần tạo động lực cho quốc gia tiến bước vững chắc và bền vững.

Ông Nguyễn Văn Khoa, TGĐ FPT cho rằng, một trong những sáng kiến quan trọng của Liên minh Nhân lực Chiến lược là chương trình đào tạo "Kỹ sư 57" do Đại học FPT khởi xướng.

Chương trình này được thiết kế đột phá, đào tạo nhanh chóng, gắn liền với thực tiễn, áp dụng cho sinh viên từ sớm. Nội dung đào tạo bao gồm quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, kinh tế số, trải nghiệm người dân, và các công nghệ chuyên sâu, với sự hỗ trợ của AI trong biên soạn chương trình và giảng dạy.

Đại diện từ các ban, ngành như ngân hàng (VietinBank), nghiên cứu chính sách (Ban IV), đào tạo cán bộ (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), và an toàn thông tin (Học viện Kỹ thuật Mật mã) đều nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về nhân lực.

"Kỹ sư 57" không chỉ cần kiến thức công nghệ (AI, cloud, an ninh mạng) mà còn phải có tư duy quản trị hiện đại, kỹ năng phân tích nghiệp vụ, hiểu biết pháp lý và khả năng lãnh đạo quá trình chuyển đổi.

Liên minh và các chương trình đào tạo như "Kỹ sư 57" được kỳ vọng sẽ tạo ra một thế hệ nhân lực mới, có tư duy đột phá, đáp ứng yêu cầu của thời đại, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển quốc gia, đưa Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Bình nói thêm, dù không còn trong thời chiến, nhưng một trong những sứ mạng mới của các trường đại học là truyền cảm hứng về khát vọng và tinh thần chiến thắng, giống như Điện Biên Phủ, Đại thắng Mùa Xuân, trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

" Sau khi thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ thành lập trường quân sự (trường võ bị Trần Quốc Tuấn). Khi được hỏi: "Trong trường sẽ dạy gì?", Bác Hồ trả lời: "Dạy về lịch sử của đất nước." Thông điệp của Bác rất rõ ràng: Người lính – cũng như chúng ta hôm nay và thế hệ học sinh – sinh viên mai sau – cần được hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc và niềm tin vững chắc rằng Việt Nam sẽ trở thành một dân tộc tiên tiến" , ông Bình nhấn mạnh.

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/mot-lien-minh-dac-biet-vua-ra-mat-giup-viet-nam-co-luc-luong-tinh-nhue-de-thang-cuoc-chien-moi-a236485.html