Cần gì ở nhân sự để thực thi Nghị quyết 57

Một mục tiêu lớn trong Nghị quyết 57 là phát triển nguồn nhân lực, lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ về những yếu tố để phát triển nguồn nhân lực thực thi Nghị quyết 57. Ảnh: Minh Khôi.

Đây cũng là chủ đề được đưa ra ở diễn đàn “Phát triển xung lực mới cho quốc gia”, diễn ra tại Hà Nội chiều 7/5. Sự kiện tập trung thảo luận các yêu cầu đào tạo nhân sự để thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nhấn mạnh Việt Nam cần một "cuộc chiến mới" thắng bằng tri thức và công nghệ. Ông cho rằng nếu trước đây cần bình dân học vụ để biết chữ, ngày nay mỗi người dân cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).

"Chúng ta phải tạo ra những thế hệ trẻ có kiến thức, kỹ năng về trí tuệ nhân tạo, phát huy sức mạnh toàn dân," Chủ tịch FPT nhận xét.

Ông Bình cũng nhấn mạnh nếu không đào tạo được nhân lực AI, Việt Nam sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ, còn ngược lại có thể trở thành lực lượng lao động toàn cầu nếu dẫn đầu trong đào tạo AI.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng được đề nghị phác họa chân dung "Kỹ sư 57" – lực lượng nhân sự mới đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết.

TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, cho rằng các kỹ sư này cần kiến thức công nghệ và kỹ năng thực tiễn để tham gia công cuộc chuyển đổi số tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Chương trình đào tạo cần bao gồm quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp hiện đại, kinh tế số, tài chính số, trải nghiệm người dân trong hệ sinh thái dịch vụ số, cùng các năng lực công nghệ như đổi mới sáng tạo, an ninh mạng và đạo đức số.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, bổ sung yêu cầu về tư duy pháp lý, chuẩn mực hành chính công và tư duy thiết kế hệ thống cho "Kỹ sư 57".

"Khi xây dựng được tư duy chuẩn hóa ngay từ đầu, chúng ta sẽ đào tạo được các kỹ sư 57," ông Khoa nói.

Từ góc độ đào tạo, ông Khoa cũng cho biết các đơn vị giáo dục của FPT có chủ trương mang những bài toán lớn cho học sinh, sinh viên tiếp cận, để thế hệ tương lai sớm xác định được vai trò, vị trí và hành trình phát triển của bản thân trong nền kinh tế tri thức.

Từ góc độ ngân hàng, ông Lê Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị VietinBank, chỉ ra sự thiếu hụt nhân sự có năng lực về AI, điện toán đám mây, an ninh mạng. Ông nhấn mạnh "Kỹ sư 57" trong ngành ngân hàng cần tri thức công nghệ số, năng lực ngoại ngữ, kỹ năng quản trị hiện đại và khả năng tự học suốt đời.

Nghi quyet 57 anh 1

Các chuyên gia chia sẻ về những định hướng nhằm phát triển và đào tạo nhóm "Kỹ sư 57". Ảnh: VA.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đề xuất ba nhóm "Kỹ sư 57" cần đào tạo: Kỹ sư khoa học công nghệ chuyên ngành (hiểu sâu ngành); nhà quản trị và quản lý thông minh (ứng dụng dữ liệu, công nghệ); và chuyên gia phân tích nghiệp vụ (kết nối quy trình, dữ liệu, công nghệ).

Để đáp ứng nhu cầu này, Đại học FPT đã công bố chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược, gọi tắt là KS57. Chương trình gồm 8 module, chia làm 2 nhóm nội dung chính: các cấu phần của hệ sinh thái chuyển đổi số (quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, kinh tế số, trải nghiệm khách hàng) và nhóm năng lực cốt lõi (giúp triển khai chuyển đổi số ở cấp hệ thống). Chương trình ứng dụng AI toàn diện trong thiết kế nội dung và giảng dạy.

Sự kiện cũng đánh dấu Lễ ra mắt Liên minh Nhân lực Chiến lược, gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Kỹ thuật mật mã; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; và Trường Đại học FPT. Liên minh đặt mục tiêu góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, chuyên gia chất lượng cao, thúc đẩy các chương trình đào tạo phù hợp bối cảnh mới.

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/can-gi-o-nhan-su-de-thuc-thi-nghi-quyet-57-a236396.html