Sở thích uống ngọt âm thầm tàn phá sức khỏe nhiều người Việt

() - Tiêu thụ đồ uống có đường đang âm thầm trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Việt Nam. Mỗi người Việt Nam uống khoảng 1,3 lít đồ uống này mỗi tuần.

Vô vàn hệ lụy từ thói quen tiêu thụ đồ uống có đường

Hiện nay đã có những bằng chứng mạnh mẽ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng minh rằng việc tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, sâu răng, loãng xương và gây thừa cân, béo phì.

Tất cả đều là những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Không những thế, chúng còn tiềm ẩn nhiều khả năng dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong đó có ung thư.

Sở thích uống ngọt âm thầm tàn phá sức khỏe nhiều người Việt - 1

Chia sẻ tại hội thảo mới đây tại Hà Nội, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) lấy dẫn chứng nghiên cứu ở 75 quốc gia cho thấy mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng 1% liên quan đến việc có thêm gần 5 người lớn thừa cân trên 100 người và hơn 2 người lớn béo phì trên 100 người, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Tiêu thụ đồ uống có đường trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ thừa cân, béo phì, béo phì cao hơn ở 5 tuổi.

Cứ mỗi 100ml tăng thêm trong tiêu thụ đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến chỉ số khối cơ thể cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân, béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6. Với mỗi lon nước ngọt uống thêm mỗi ngày, nguy cơ bị béo phì tăng 60% trong 1,5 năm theo dõi.

Đáng báo động, mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam hiện đã tăng gấp 4 lần so với năm 2009.

Vào năm 2023, ước tính mỗi người tiêu thụ khoảng 66 lít đồ uống có đường mỗi năm. Con số này tương đương với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày khoảng 18g đường chỉ từ các đồ uống có đường (giả định rằng mỗi lít đồ uống có đường chứa 100g đường).

Riêng mức tiêu thụ này đã chiếm khoảng 36% lượng đường trung bình tối đa hàng ngày được WHO khuyến nghị cho một người trưởng thành.

Xu hướng đáng báo động này đã góp phần làm tăng tỷ lệ thừa cân ở thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19, tăng hơn gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020. Điều này khiến nhóm thanh thiếu niên 15-19 tuổi có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và các rối loạn sức khỏe gây ra bởi thừa cân và béo phì cao hơn nhiều trong khoảng thời gian về sau.

"Đồ uống có đường hiện chiếm tới 25% lượng đường tự do tiêu thụ ở người trưởng thành, và đến 40% ở thanh thiếu niên. Điều này phản ánh rõ ràng rằng, nếu không can thiệp kịp thời, chúng ta sẽ phải đối mặt với một thế hệ lớn lên cùng bệnh tật", bà Thủy nhấn mạnh.

Sở thích uống ngọt âm thầm tàn phá sức khỏe nhiều người Việt - 2

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam (Ảnh: H.T).

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho rằng, hiện nay là thời điểm rất phù hợp, Quốc hội đang xem xét sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là cơ hội hoàn hảo để đưa vào thuế với đồ uống có đường.

"Nếu không có hành động can thiệp, xu hướng tiêu thụ đồ uống có đường sẽ còn tiếp tục tăng, kéo theo ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn, gia đình, xã hội và nền kinh tế. Vì vậy, WHO kêu gọi những nhà hoạch định chính sách cần ra quyết định hành động ngay bây giờ", Tiến sĩ Angela Pratt nhấn mạnh.

Theo bà đây là giải pháp cùng thắng, vừa giúp cải thiện sức khỏe và giảm chi phí y tế, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách chính phủ. Đây cũng là nguồn kinh phí giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu miễn viện phí cho người dân như chỉ đạo của Tổng Bí Thư Tô Lâm.

Cần lộ trình áp thuế với đồ uống có đường đủ mạnh để giảm tiêu dùng

Một tài liệu được công bố gần đây của WHO cho thấy việc tăng 10% giá đồ uống có đường thông qua thuế có thể dẫn đến giảm trung bình khoảng 10-11% mức tiêu thụ. Do đó, việc tăng thuế và giá đáng kể sẽ góp phần giảm sâu răng, béo phì và đái tháo đường, đồng thời giúp ngăn ngừa nhiều bệnh không lây nhiễm khác.

WHO ủng hộ mạnh mẽ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường như một chính sách y tế công cộng, đặc biệt là một biện pháp phòng ngừa để bảo vệ thanh thiếu niên.

Chính sách này cũng phù hợp với xu hướng quốc tế và khu vực hiện nay. Ít nhất 104 quốc gia trên toàn thế giới và 6 quốc gia trong khu vực ASEAN đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường.

Sở thích uống ngọt âm thầm tàn phá sức khỏe nhiều người Việt - 3

Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi lần này đưa nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam vào danh mục chịu thuế, dự kiến khoảng 10%. Bộ Tài chính cũng đã trình lộ trình giãn thời gian áp dụng 8% năm 2027 và 10% từ năm 2028.

Theo WHO, mức thuế 10% trên giá xuất xưởng sẽ có tác động rất khiêm tốn đến giá bán lẻ của đồ uống có đường (khoảng 5%) và do đó tác dụng giảm mức tiêu thụ cũng là rất khiêm tốn. Dù vậy, việc áp dụng thành công thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này sẽ là yếu tố quan trọng.

WHO khuyến nghị Bộ Tài chính xem xét đưa ra một lộ trình tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt đến năm 2030 là 40% giá xuất xưởng để giá bán lẻ các sản phẩm này tăng thêm 20% (theo giá thực đã tính đến lạm phát). Điều này nhằm giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm này và đảo ngược xu hướng gia tăng nhanh chóng mức tiêu thụ các sản phẩm đồ uống có đường hiện nay.

Chung quan điểm, bà Thủy cho rằng chúng ta cần xem xét lộ trình mở rộng phạm vi, đối tượng áp thuế và tăng thuế suất theo khuyến cáo của WHO. Hiện mức thuế đề xuất còn xa so với khuyến cáo, diện đánh thuế cũng khá hẹp.

WHO sử dụng khái niệm đồ uống có đường cho tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do. Thuật ngữ này chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam.

Vì thế, theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi mới chỉ có nước giải khát có đường (hàm lượng đường > 5g/100ml) được bổ sung vào đối tượng chịu thuế.  

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/so-thich-uong-ngot-am-tham-tan-pha-suc-khoe-nhieu-nguoi-viet-a236387.html