Sáp nhập tỉnh thành theo hướng biển để nhanh cất cánh

Các chuyên gia cho rằng việc định hướng sáp nhập các tỉnh thành theo hướng biển (21/34 tỉnh thành sau sáp nhập sẽ hướng biển) là tiền đề quan trọng để kết nối, hội nhập, nhanh chóng đưa đất nước cất cánh.

sáp nhập - Ảnh 1.

Hợp nhất với Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đưa TP.HCM thành địa phương có lợi thế nhất cả nước trong phát triển kinh tế biển như khai thác dầu khí, du lịch, cảng nước sâu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Hiện nay Việt Nam có 63 tỉnh thành, trong đó có 28 tỉnh thành ven biển trải dọc từ Bắc vào Nam, với tổng chiều dài đường bờ biển khoảng 3.260km.

Nay sáp nhập từ 63 tỉnh thành còn 34 tỉnh thành (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), dự kiến Việt Nam sẽ có 21 tỉnh, thành phố giáp biển. Như vậy tỉ lệ địa phương giáp biển tăng lên từ 28/63 (44%) lên 21/34 (gần 62%).

Tăng lợi thế lớn cho Tây Nguyên, TP.HCM

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Chính, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nêu rõ định hướng sáp nhập tỉnh thành nhằm tạo không gian phát triển hướng biển rất quan trọng với Việt Nam.

Bởi cảng biển nước sâu chính là điều kiện then chốt để hàng hóa Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vị trí địa lý gần tuyến hàng hải quốc tế, cùng với lợi thế tự nhiên của Biển Đông với giá trị lớn khai thác kinh tế biển, chính là lợi thế vàng để

Ông Chính cũng chỉ rõ việc kết nối các tỉnh nội địa, đặc biệt là vùng cao như Tây Nguyên với các địa phương ven biển là tư duy quy hoạch chiến lược, phù hợp với bối cảnh phát triển tích hợp hiện nay. Khu vực Nam Trung Bộ sở hữu nhiều cảng biển nước sâu như Cam Ranh, Vân Phong...

Đây là những lợi thế chiến lược cho phát triển kinh tế biển và giao thương quốc tế. Do việc tăng cường liên kết giữa Tây Nguyên và Nam Trung Bộ để hình thành trục kết nối Đông - Tây, kết nối giữa miền biển với miền núi, giữa đồng bằng với cao nguyên như đang thực hiện là cần thiết.

Sáp nhập tỉnh hướng ra biển để mở rộng 'mặt tiền' giao thương với thế giớiSáp nhập để các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên hướng ra biển và có biển?

Việc định hướng sáp nhập các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo hướng kết nối này không chỉ là về giao thông, vận tải, mà còn là sự liên thông về dòng chảy kinh tế, dòng chảy văn hóa và lịch sử, mở rộng không gian phát triển một cách bền vững, hiệu quả.

Đồng thời khi các tỉnh ven biển miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định có sự hỗ trợ, liên kết với Tây Nguyên thì không chỉ kinh tế được thúc đẩy mà năng lực phòng thủ, di chuyển quân sự, đảm bảo an ninh, quốc phòng quốc gia cũng được tăng cường.

Ông Chính dẫn chứng như việc hợp nhất Quảng Ngãi và Kon Tum sẽ tạo thành một địa phương mới vừa có biển, có rừng.

Đồng thời giúp tạo điều kiện cho hàng hóa từ Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum), trung tâm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đi thẳng xuống cảng biển Dung Quất (Quảng Ngãi), sẽ tạo điều kiện thông thương rất tốt, hiệu quả.

Còn Quảng Ngãi thêm lợi thế từ tài nguyên của vùng cao nguyên và vị trí chiến lược sát biên giới qua Lào, Campuchia.

Tương tự, Bình Định có cảng Quy Nhơn - cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam. Còn Gia Lai có diện tích lớn, tiềm lực mạnh về cao su, cà phê, thủy điện. Sự kết hợp này sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho cả hai địa phương...

Với TP.HCM, ông Chính nói hiện nay TP.HCM có hướng biển tại khu vực Cần Giờ với chiều dài hơn 16km.

Nhưng theo định hướng, Bà Rịa - Vũng Tàu - khu căn cứ dầu khí lớn nhất cả nước và có cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, một trong những cảng biển lớn nhất cả nước - sẽ hợp nhất với TP.HCM.

Như vậy, sau khi sáp nhập, đường bờ biển của TP.HCM dài gấp 5 lần so với hiện hữu. Từ lâu Cần Giờ nằm trong chiến lược hướng biển của thành phố.

"Việc hợp nhất với Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đưa TP.HCM thực sự trở thành địa phương có lợi thế nhất cả nước trong phát triển kinh tế biển (khai thác dầu khí, du lịch, cảng nước sâu), thay vì chỉ là tầm nhìn hướng biển như hiện nay.

Cùng với đó Bình Dương - một vùng đất vừa rộng, vừa cao - sẽ hợp nhất với TP.HCM. Đây rõ ràng là định hướng sáp nhập đơn vị hành chính rất mạnh mẽ để tạo không gian, động lực cho đầu tàu kinh tế đất nước phát triển", ông Chính nói thêm.

sáp nhập - Ảnh 3.

Sau khi sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu, đường bờ biển của TP.HCM gấp 5 lần so với hiện hữu - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Cần nghiên cứu yếu tố đặc thù

Đồng quan điểm trên, KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh không gian liên kết thông thường về đường bộ, đường không thì đường biển là yếu tố rất quan trọng.

Việt Nam là quốc gia tiếp cận biển rất nhiều, với chiều dài đường bờ biển là 3.260km. Đây là một thế mạnh, đặc thù của nước ta.

"Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chú trọng phát triển kinh tế biển nhưng chưa khai thác được hết tiềm năng. Vì vậy, trong lần sáp nhập các tỉnh thành đang thực hiện đã chú trọng hơn đến vấn đề này.

Nước ta có lợi thế về các cảng biển, cảng nước sâu hiện có, gần các đường hàng hải quốc tế, Biển Đông có giá trị lớn về khai thác kinh tế biển... Nếu làm tốt việc khai thác các tiềm năng về biển sẽ tạo ra đột phá lớn", ông Nghiêm nêu rõ.

Phân tích thêm, ông Nghiêm cho rằng khi sáp nhập tỉnh thành, đẩy mạnh hướng ra biển, làm tốt việc khai thác tiềm năng biển sẽ góp phần phát triển du lịch, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản ven biển. Từ đó nâng cao đời sống của cư dân ven biển nói riêng và người dân các địa phương nói chung.

Để làm được những việc này, ông Nghiêm nhấn mạnh cần nhân rộng các khu kinh tế ven biển. Cùng với đó cần đẩy mạnh khai thác công nghiệp sinh thái ven biển.

Chú trọng mở rộng, phát triển thêm các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế biển gắn với đô thị hóa. Kèm theo đó phải đẩy mạnh việc phục hồi hệ sinh thái ven biển đi đôi với yêu cầu chú trọng đảm bảo an ninh quốc phòng.

"Có một điều thuận lợi là vừa qua, Việt Nam đã có định hướng quy hoạch tổng thể cảng biển của Việt Nam. Trong đó cả 3 khu vực Bắc, nhất là Trung, Nam đều chú trọng.

Đặc biệt bên cạnh thực hiện các luật, điều ước quốc tế đã chú trọng quy hoạch cảng cá và khai thác thủy sản ven biển.

Đây là những định hướng chỉ đường để khai thác ven biển", ông Nghiêm nêu thêm và nhấn mạnh với việc gắn kết, mở rộng để nhiều tỉnh có tiếp cận với biển sẽ giúp đạt được "đa năng mục tiêu phát triển".

Việc sáp nhập đưa các tỉnh thành hướng biển nhiều hơn là một lợi thế gắn kết nhưng theo ông Nghiêm, chính từ việc chưa khai thác hết các tiềm năng vừa qua nên sau khi sáp nhập xong, các tỉnh thành cần nghiên cứu đặc thù, yếu tố đột phá tiếp cận từ biển để đẩy mạnh kinh tế biển.

Đồng thời cần chú trọng phân cấp, phân quyền mạnh hơn từ Trung ương cho các tỉnh, từ cấp tỉnh cho cấp xã ven biển để thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Cùng với đó cũng rất cần chú trọng an ninh, quốc phòng.

sáp nhập - Ảnh 4.

Du khách nước ngoài tắm biển Nha Trang (Khánh Hòa) - Ảnh: TRẦN HOÀI

Mục tiêu lâu dài

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn cho rằng phát triển hướng biển là một định hướng lớn, chiến lược.

Do đó việc sắp xếp các địa phương theo hướng kết nối tỉnh thành nằm sâu trong nội địa, chưa có không gian biển với địa bàn duyên hải miền Trung.

Việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng theo chủ trương hướng biển. Điều này thể hiện qua quy hoạch tuyến đường giao thông, đường sắt trọng điểm. Các tuyến đường này có sự kết nối với những khu vực, những nơi có biển.

"Trong các phương án đề xuất sắp xếp tỉnh thành, chúng tôi đều cân nhắc hướng phát triển này nhằm tạo không gian phát triển cho địa phương. Không gian phát triển không chỉ là quy mô, diện tích mà còn có yếu tố khác đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài, hướng biển", ông Tuấn nói.

TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):

Không nên tỉnh nào cũng làm cảng biển

Muốn phát triển kinh tế hướng ra biển phù hợp, hiệu quả, các địa phương sau khi sáp nhập phải xác định lợi thế từng địa phương để tìm nét độc đáo riêng biệt của từng khu vực.

Tùy vào vị trí và đặc điểm địa hình khu vực để xác định vùng biển đó thuần về khai thác đánh cá, nuôi trồng thủy hải sản; phát triển du lịch hay kết hợp phát triển cảng biển, giao thông vận chuyển hàng hóa...

Không phải biển nào cũng giống nhau, ngược lại mỗi vùng biển có đặc điểm khác nhau cho nên phải cố gắng nhìn nhận tổng thể để đưa ra hướng phát triển phù hợp với các địa phương.

Ví dụ khu vực biển miền Trung, sau khi một số tỉnh duyên hải miền Trung sáp nhập với các địa phương khu vực Tây Nguyên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vùng ở miền núi nối ra biển.

Đồng thời từ đó cũng tạo nên các trục giao thông đường bộ kết nối từ miền núi xuôi xuống biển, thậm chí kết nối sang Lào, Thái Lan.

Dù vậy không nhất thiết tỉnh nào cũng làm cảng biển, hiện nay một số tỉnh đã có cảng biển, cho nên có thể khai thác các cảng sẵn có để nối kết với vùng núi bên trong.

Riêng khu vực TP.HCM, hệ thống cảng biển sau khi sáp nhập không chỉ phục vụ riêng cho địa phương TP.HCM mới mà phục vụ cho cả vùng kinh tế phía Nam, thậm chí khu vực và quốc tế. Như vậy hệ thống cảng biển ở đây cần được tính toán để phát triển hệ thống giao thông thuận lợi kết nối tới từng cảng biển.

Trong đó TP.HCM mới cần phát triển kinh tế hướng ra biển theo hướng chính đông, trong đó tập trung khai thác lợi thế, nguồn lực đất đai của khu vực Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay).

KTS Huỳnh Xuân Thụ:

Cần tránh những sai lầm đắt giá

Điều quan trọng nhất là các địa phương cần xác định nguồn lực phát triển kinh tế. Thực tế không phải địa phương nào có biển cũng đủ nguồn lực khai thác các lợi thế, tiềm lực của biển. Lưu ý nguồn lực không chỉ tài chính, mà còn nguồn lực về con người, thể chế.

Nguồn lực ở đây bao gồm nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt huy động nguồn đầu tư nước ngoài.

Nếu các địa phương không chủ động, tích cực, năng động, tạo mọi điều kiện thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, nguồn lực của các loại hình kinh tế khác nhau sẽ rất khó để khai thác hết tiềm năng của biển.

Riêng với TP.HCM tương lai có cả biển Cần Giờ và Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc này đặt ra nhiều nhiệm vụ cho TP.HCM, cơ hội rất lớn để lần đầu tiên chính quyền, người dân và doanh nghiệp TP có cơ hội để tham gia chủ động phát huy tốt nhất lợi thế biển trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những thất bại (hạn chế) của các địa phương khi phát triển biển trước đây.

Có những bài học sai lầm rất đắt giá mà TP.HCM không được phép đi vào vết xe đổ đó.

Ví dụ như ở Bình Thuận hiện nay đang rút kinh nghiệm khi trước đây cho phép một số ít chủ đầu tư xây dựng resort che kín hết, tư nhân hóa bờ biển.

Khi đó chỉ những doanh nghiệp có bờ biển phát triển, còn những doanh nghiệp bên này bờ không có lối ra biển không phát triển được.

Cho nên bờ biển Mũi Né không tạo được sức hút đầu tư mạnh mẽ, các khu đất bên này bờ không khai thác xây dựng được.

Ngược lại ở Nha Trang có bãi biển công cộng Trần Phú nên vào sâu cách bờ biển vài km vẫn có thể xây dựng hàng trăm, hàng ngàn khách sạn.

Hoặc bãi biển Đà Nẵng vẫn dành những không gian công cộng rất lớn để cho sự phát triển thấm sâu vào bên trong, tạo sự phát triển cho rất nhiều doanh nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội để đóng góp cho sự phát triển.

Vấn đề nữa phải làm sao để kết nối giao thông tốt nhất. Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng phát lên, cất cánh được nhờ kết nối sân bay quốc tế với cảng biển.

Các nước trên thế giới phát triển kinh tế hướng biển

- Hà Lan là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu về kinh tế biển tại châu Âu, nhờ vị trí chiến lược giáp biển Bắc và hệ thống logistics hiện đại, cùng với cảng Rotterdam lớn nhất châu Âu.

Theo website của cảng Rotterdam, năm 2024 cảng này xử lý hơn 435,8 triệu tấn hàng hóa, đóng vai trò "cửa ngõ vào châu Âu" cho thương mại toàn cầu.

Nước này cũng chú trọng đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi như khu vực Borssele, với công suất lên đến 1.500MW.

- Trung Quốc gần đây công bố tổng sản phẩm biển (GOP) trong năm 2024 đạt kỷ lục 10.500 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1.400 tỉ USD), theo Bộ Tài nguyên thiên nhiên Trung Quốc.

Đáng chú ý, lĩnh vực dịch vụ đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế hàng hải với gần 60% tổng GOP, tiếp đến là công nghiệp đóng tàu, điện gió ngoài khơi và du lịch ven biển tăng trưởng mạnh mẽ. Trung Quốc cũng đầu tư mạnh hàng loạt dự án lấn biển và khai thác tài nguyên trong năm qua với tổng vốn đầu tư 1,07 ngàn tỉ nhân dân tệ (hơn 147 tỉ USD).

- Hàn Quốc với lợi thế công nghệ cao, chiếm 58% đơn hàng đóng tàu giá trị cao toàn cầu, trong đó có 70% đơn hàng tàu chở hàng lớn.

Ngoài ra Hàn Quốc cũng là một trong ba quốc gia sản xuất rong biển lớn nhất thế giới, tạo ra việc làm ổn định cho cư dân ven biển, cho thấy sự cân bằng giữa công nghiệp biển và nuôi trồng bền vững.

Hướng biển để nhanh cất cánh - Ảnh 5.Lợi thế rất lớn nếu sáp nhập 3 tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh để phát triển kinh tế biển

Thông tin sáp nhập 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long thành một tỉnh mới có tên là Vĩnh Long và đặt trung tâm hành chính - chính trị tại TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long đang thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/sap-nhap-tinh-thanh-theo-huong-bien-de-nhanh-cat-canh-a235343.html