Singapore bầu cử: Thử thách cho thế hệ lãnh đạo mới

Cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 diễn ra ngày 3-5 tại Singapore được xem như một cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên về Thủ tướng Lawrence Wong, người kế nhiệm ông Lý Hiển Long và đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ tư của đảo quốc.

Singapore - Ảnh 1.

Thủ tướng Singapore, Tổng thư ký Đảng Hành động nhân dân (PAP) Lawrence Wong - Ảnh: REUTERS

Khoảng 2,75 triệu cử tri Singapore đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giành 97 ghế quốc hội tại 33 đơn vị bầu cử.

Mặc dù Đảng Hành động nhân dân (PAP) của Thủ tướng Lawrence Wong được dự đoán sẽ tiếp tục chiến thắng, cuộc bầu cử này không chỉ là cuộc đua chính trị giữa PAP và Đảng Công nhân đối lập, mà còn là thước đo tình cảm của người dân đối với đảng cầm quyền trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy thách thức.

Tân Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài: Nhà kinh tế và tay guitar điêu luyệnĐỌC NGAY

Thành tựu và thách thức

Kỷ niệm 60 năm độc lập vào tháng 8 tới, Singapore đã phát triển từ một quốc gia có GDP bình quân đầu người chỉ 500 USD năm 1965 thành một trung tâm kinh tế với mức GDP đạt khoảng 90.000 USD vào năm 2024.

Đảo quốc này được công nhận là một trong những nơi sạch sẽ, an toàn và ít tham nhũng nhất thế giới, với môi trường đầu tư hấp dẫn và nền kinh tế ổn định.

Nhờ chính sách thu hút đầu tư, phát triển giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, Singapore đã xây dựng thành công hình ảnh quốc gia an toàn, minh bạch và là trung tâm tài chính hàng đầu khu vực.

Tuy nhiên, PAP - đảng nắm quyền liên tục từ khi Singapore độc lập năm 1965 - đang đối mặt với những thách thức đáng kể. Năm 2020, đảng này đã chịu ảnh hưởng từ các vụ bê bối, bao gồm việc bắt giữ một bộ trưởng cấp cao trong cuộc điều tra tham nhũng và sự từ chức của hai nhà lập pháp vì ngoại tình.

Mối quan tâm chính của cử tri vẫn là các vấn đề kinh tế. Chi phí sinh hoạt tăng cao tại Singapore - một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới - là mối lo ngại lớn nhất của giới trẻ. Những vấn đề khác như nhập cư, giao thông, giá nhà tăng và triển vọng việc làm cũng đặt ra thách thức cho đảng cầm quyền.

Năm 2011 đã chứng kiến một bước ngoặt khi phe đối lập giành được số ghế lớn nhất từ trước đến nay, với PAP chỉ đạt 60,1% số phiếu phổ thông - tỉ lệ thấp kỷ lục.

Đây được coi là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, buộc Thủ tướng Lý Hiển Long phải xin lỗi và thực hiện nhiều biện pháp lấy lại niềm tin của cử tri như kiềm chế giá nhà, kiểm soát nhập cư và xây dựng thêm các tuyến metro.

Singapore bầu cử: Thử thách cho thế hệ lãnh đạo mới - Ảnh 3.Chuyến công du 24 giờ hiệu quả của Thủ tướng SingaporeĐỌC NGAY

Đối phó với áp lực

Trong năm qua, Thủ tướng Wong, một nhà kinh tế được đào tạo tại Mỹ, đã triển khai nhiều biện pháp để giải quyết những lo ngại của người dân.

Chính phủ đã tăng nguồn cung nhà ở xã hội, cung cấp trợ cấp mua nhà cho người mua lần đầu, và hỗ trợ chi phí chăm sóc trẻ em cùng chi phí sinh hoạt thông qua các khoản trợ cấp và phiếu tiền mặt. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng những nỗ lực này chưa đủ.

Nền kinh tế Singapore, vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, đang đối mặt với nguy cơ suy thoái từ chính sách thuế quan toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Điều này tạo thêm áp lực lên chính quyền đương nhiệm.

Tại một cuộc mít tinh của PAP, Thủ tướng Wong đã nhấn mạnh rằng bỏ phiếu cho phe đối lập "không phải là một cuộc bỏ phiếu tự do cho nhiều tiếng nói thay thế trong quốc hội", mà "là một cuộc bỏ phiếu làm suy yếu PAP, nhóm thực sự đang làm việc vì các bạn".

Ông cũng cho rằng sự đa dạng tiếng nói trong quốc hội sẽ không có lợi cho Singapore trong thời điểm hiện tại, khi đất nước phải đối mặt với "những thách thức thực sự và nghiêm trọng".

Xác suất cho phe đối lập hạ bệ đảng cầm quyền PAP trong cuộc bầu cử lần này hầu như không có, nhưng tỉ lệ phần trăm cử tri bầu cho PAP sẽ nói lên niềm tin của cử tri Singapore vào năng lực đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định của đảng cầm quyền PAP trong tình trạng nền kinh tế toàn cầu bất ổn hiện nay tới đâu.

Giáo sư luật Eugene Tan từ Đại học Quản lý Singapore nhận xét với Hãng tin AP rằng: "Đảng cầm quyền đã mô tả cuộc chiến thuế quan của tổng thống Mỹ đang diễn ra là một cuộc khủng hoảng đối với Singapore phụ thuộc vào thương mại". Ông đặt câu hỏi: "Liệu cử tri có tập hợp lại sau lưng PAP hay họ sẽ coi hệ thống chính trị là đủ mạnh mẽ và có thể thích ứng với sự đa dạng và cạnh tranh chính trị nhiều hơn?".

Đảng PAP của Thủ tướng Lawrence Wong thắng vang dội

Theo cập nhật của truyền thông Singapore và phương Tây lúc 22h30 tối 3-5 (giờ Việt Nam), Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền của Thủ tướng Lawrence Wong đã trên đà giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử tại Singapore.

Các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào lúc 20h ngày 3-5 (giờ địa phương). Theo Ủy ban Bầu cử Singapore, kết quả sơ bộ cho thấy PAP đã thắng tại 29 trong tổng số 32 khu vực bầu cử. Điều này đồng nghĩa với việc PAP giành được 87/97 ghế tại Quốc hội Singapore.

BÌNH AN

Singapore bầu cử: Thử thách cho thế hệ lãnh đạo mới - Ảnh 2.Bầu cử Singapore: Đảng PAP của Thủ tướng Lawrence Wong trên đà thắng vang dội

Đảng Hành động nhân dân (PAP) cầm quyền của Singapore đang trên đà giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử hôm nay, tiếp tục kéo dài sáu thập kỷ cầm quyền.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/singapore-bau-cu-thu-thach-cho-the-he-lanh-dao-moi-a235339.html