Lực lượng an ninh thắt chặt, rà soát các khán đài
Bên trong khán đài, khách mời đã đến từ sớm để ổn định chỗ ngồi
Khoảng 4h40, khá đông đại biểu đã có mặt tại khu vực khán đài chính. Lực lượng hậu cần phục vụ đại lễ cũng đến từ sớm để chuẩn bị.
Khách mời, đại biểu đến sớm tranh thủ chụp ảnh lưu niệm đội, nhóm ở khu vực đường diễu hành, sau đó khẩn trương đến vị trí ngồi ở các khán đài. Không khí khu vực đường diễu hành và các khán đài sôi nổi dần.
Các đại biểu, khách mời đến sớm để kiểm tra an ninh và ổn định chỗ ngồi. Lực lượng an ninh cũng kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng các khán đài để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Được đồng đội đẩy trên chiếc xe lăn dọc tuyến đường Lê Lợi, ông Nguyễn Khắc Hạ (72 tuổi, Nghệ An) không giấu nổi niềm xúc động khi trở lại TP.HCM. Là cựu chiến binh thuộc sư đoàn 341, ông Hạ từng tham gia chiến dịch Xuân Lộc, Biên giới Tây Nam... rồi để lại một phần cơ thể nơi chiến trường
4h40, nhiều lượt người dân và du khách sử dụng metro để di chuyển qua lại nhiều hướng các cánh quân sẽ di chuyển. Được biết, Metro số 1 sẽ miễn phí vé tàu cho hành khách trong hai ngày 30-4 và 1-5 bằng cách sử dụng CCCD hoặc lấy mã trên ứng dụng HCMC Metro
Đông nghịt người dân trên đường Tôn Đức Thắng lúc 2h30 ngày 30-4
Một hình ảnh đẹp và xúc động giữa đêm trên đường Tôn Đức Thắng. Lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay giữa biển người
2h30, biển người có mặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Tôn Đức Thắng, cầu Khánh Hội
Người trẻ cảm ơn thế hệ ông cha
Cùng chồng từ quận 12 đến bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ chiều 29-4, chị Nguyễn Thị Bích Thùy đã tìm được chỗ ngồi ưng ý để xem diễu binh. Do chung niềm nô nức chào đón đại lễ 30-4, nên chị xem những người ngồi bên cạnh như người trong gia đình.
"Nhân dịp này, mình muốn nhắn gửi đến các bác cựu chiến binh "các bác ơi, con cảm ơn các bác rất nhiều, các bác đã hi sinh tuổi trẻ, chiến đấu hết mình vì độc lập tự do để chúng con có được hạnh phúc như hôm nay.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thời khắc vô cùng ý nghĩa, con luôn luôn biết ơn và trân trọng từng khoảnh khắc hạnh phúc, tự do và độc lập như hôm nay", chị Bích Thùy bày tỏ.
Lúc 3h, bạn Nguyễn Thị Như Ý (20 tuổi, ngụ Nhà Bè) nói bản thân đã cảm thấy khá đuối vì phải trụ lâu tại khu vực này. Tuy nhiên Ý vẫn quyết tâm ở lại để tận mắt xem diễu binh, diễu hành, muốn lưu giữ khoảnh khắc đẹp này thật lâu trong tim.
Theo Ý, đây cũng là cơ hội được gặp nhiều cựu chiến binh như bước ra từ trang sử. "Các bác đã hy sinh tuổi xuân, máu thịt của mình cho hoà bình hôm nay. Mình thấy rất trân trọng và biết ơn", Ý nói.
Còn bạn Phan Thị Thảo Nhi (18 tuổi, ngụ quận 2) chia sẻ bản thân muốn đến đây xem diễu binh để cảm nhận trực tiếp không khí của hoà bình.
Nhi nói ở buổi sơ duyệt diễu binh, diễu hành lần trước, bạn đã gặp một cựu chiến binh và có cuộc trò chuyện ngắn với bác. Nhờ đó, bạn càng thêm trân quý những gì may mắn có được hôm nay. "Ngoài từ biết ơn, không từ nào có thể diễn tả chính xác tâm trạng của mình trong những ngày đặc biệt này", Nhi xúc động.
Bạn Trinh (thứ hai bên trái, quê Quảng Ngãi) cùng nhóm bạn quyết định "cắm trại" qua đêm tại công viên Lê Văn Tám để đón chờ đoàn diễu binh, diễu hành
Trẻ em theo cha mẹ đi ngày hội non sông
Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa đêm khuya tại trung tâm TP.HCM
Những ngày qua, bạn Phùng Trần Vân Anh (15 tuổi) rất háo hức được xem diễu binh, diễu hành. Sinh ra trong gia đình có ông bà là cựu chiến binh, bố là Bộ đội Biên phòng, Vân Anh luôn tự hào về truyền thống gia đình.
Vân Anh kể khi còn nhỏ, thấy bố bận bịu suốt ngày, em từng nghĩ bố không thương em như cách mà bố thương người dân. Nhưng rồi khi lớn dần lên, em hiểu được công việc của bố. Tối nay, khi các chú bộ đội phát nước và lương khô tiếp sức người dân xem diễu binh, em càng hiểu hơn tình cảm gắn bó giữa những người lính và nhân dân.
Hơn hết, qua những câu chuyện mà ông bà và bố mẹ kể lại về những người lính kháng chiến cứu nước, bản thân em luôn tự nhủ phải ghi nhớ và biết ơn sự hi sinh xương máu của cha ông ta ngày trước, để đến hôm nay em được học tập, vui chơi giữa hoà bình, độc lập.
Có mặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ từ lúc 0h, chị Tuyết Ngân (30 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết nơi đây đã chật kín người.
"Được có mặt giữa dòng người háo hức trong ngày lễ lớn như thế này cũng đủ khiến tôi thấy tự hào và xúc động. Tôi biết ơn các thế hệ cha ông đã ngã xuống để chúng tôi được sống trong hòa bình. Dù chen chúc, mỏi chân, tôi vẫn thấy xứng đáng", chị Ngân chia sẻ, rồi tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi trên vỉa hè.
2h30, biển người có mặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Tôn Đức Thắng, cầu Khánh Hội
Từ 3h sáng, khu vực đường Lê Lợi giao với Nguyễn Huệ đã đông kín người dân đến tham gia đại lễ
Rất đông người dân có mặt tại công viên Lê Văn Tám (Quận 1) lúc 3h sáng
CSGT hướng dẫn người dân hướng di chuyển
Lực lượng bộ đội chuẩn bị lương khô phát cho dân chờ xem diễu binh, diễu hành.
Phát lương khô cho dân chờ xem diễu binh
Khoảng 1h sáng hôm nay 30-4, một số tuyến đường tại trung tâm TP.HCM bắt đầu cấm để triển khai các công việc cho buổi lễ diễu binh, diễu hành.
Ghi nhận lúc 0h40 ngày 30-4, các lực lượng quân đội, công an… bắt đầu kéo rào sắt hướng dẫn người dân ra khỏi khu vực cấm để chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành.
Hướng dẫn người dân ra khỏi khu vực cấm để chuẩn bị cho lễ diễu binh
Việc này nhằm thắt chặt an ninh, đảm bảo cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam,
Nước uống được các chiến sĩ trao tay cho người dân
Lực lượng CSGT bắt đầu triển khai phân luồng, điều tiết từ 1h sáng.
Cảnh sát cơ động Công an TP.HCM bắt đầu triển khai lực lượng, tỏa ra các tuyến đường thực hiện nhiệm vụ.
Người dân tập trung trên đường Lê Duẩn được các lực lượng chức năng hướng dẫn ra ngoài, ngăn không được vào khu vực hạn chế.
Vừa qua ngày mới (30-4), lực lượng quân đội và cảnh sát cơ động bắt đầu kéo rào, hạn chế người dân ra - vào khu vực thuộc các tuyến đường cấm.
Kẹt cứng, chen chúc nhưng vẫn vui vẻ
Chị Trần Lê Khánh Huyền (ngụ Bình Dương) vào TP.HCM xem diễu binh, diễu hành nói di chuyển từ đường Cách Mạng Tháng Tám vào Lê Lợi từ khoảng 1h và bị kẹt tại đây. Dù bị kẹt lại nhưng chị và những người bạn đi cùng vẫn thấy tâm trạng vui vẻ, mong muốn xem kỳ được màn diễu binh, diễu hành.
Đến 2h, dù lực lượng chức năng đã cố gắng điều tiết, phân luồng nhưng tình hình đi lại tại đây vẫn chưa có dấu hiệu thông thoáng, nhiều người dân bất lực ngồi tại chỗ chờ thông đường.
Cùng thời điểm, hàng chục ngàn người vẫn phủ kín các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ, công viên bến Bạch Đằng. Đây là những vị trí được xem là "view vàng" để theo dõi diễu binh và máy bay biểu diễn vào sáng nay.
Tại công viên Bến Bạch Đằng, không khí sôi động chưa từng có kéo dài từ đêm hôm trước đến rạng sáng nay. Người dân trải chiếu, ghế xếp hoặc ngồi bệt trên bãi cỏ, vỉa hè, nhiều nhóm mang theo cà phê, mì ly, bánh mì...
Anh Nguyễn Lê Văn Tính (quận Bình Thạnh) chia sẻ: "Lâu lắm mới có dịp TP.HCM náo nhiệt thế này, rạng sáng mà kẹt cứng nhưng ai cũng vui vẻ. Mình đi cùng nhóm bạn từ 20h tối qua, kiếm được chỗ sát sông nên ráng giữ chỗ tới sáng luôn".
Nhiều người dân cho biết họ muốn tận mắt thấy trực thăng kéo cờ, các máy bay tiêm kích thả đạn nhiệt. Đây là một trong những phần biểu diễn được mong chờ nhất, dự kiến diễn ra từ 8h sáng.
Giao thông tại khu vực dọc sông Sài Gòn thời điểm này vẫn rất đông. Lực lượng chức năng túc trực điều tiết, hướng dẫn người dân đi đường khác.
Theo kế hoạch từ 3h sáng, các tuyến đường quanh khu vực khán đài chính đường Lê Duẩn sẽ bắt đầu cấm xe ra vào để chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành. Tuy nhiên, vì lượng người đổ về quá đông nên từ 1h45, một số vị trí đã thiết lập hàng rào an ninh.
Đặc biệt các tuyến đường xung quanh khu vực lễ đài, bao gồm Lê Duẩn, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tôn Đức Thắng và đường dẫn vào phố đi bộ Nguyễn Huệ... xe máy và ôtô không được phép đi lại, chỉ ưu tiên xe phục vụ sự kiện và các lực lượng chức năng.
Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/trang-dem-cho-dai-le-van-nguoi-ngoi-giua-hoa-binh-biet-on-the-he-ong-cha-a234576.html