Trả đũa thuế quan, Trung Quốc siết chặt xuất khẩu mặt hàng Mỹ lệ thuộc, Elon Musk cũng lo ngay ngáy vì biết Mỹ thiếu cả trữ lượng lẫn chuyên môn

Nhiều lĩnh vực, đặc biệt ngành xe điện, đang hoang mang khi Trung Quốc dùng mặt hàng này để đối phó với mức thuế từ ông Trump.

Nam châm đóng vai trò quan trọng với xe điện đang bị kẹt giữa thương chiến Mỹ - Trung.

Nam châm được làm bằng dysprosi. Đây là một một nguyên tố hóa học có ký hiệu Dy và số nguyên tử 66. Dysprosi là nguyên tố đất hiếm có ánh bạc kim loại. Hơn 90% dysprosi tinh chế có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chúng được dùng trong nam châm cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ thiết bị y tế đến động cơ xe điện.

Để trả đũa thuế quan của Mỹ, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu một số đất hiếm và nam châm. Điều này khiến các nhà sản xuất ô tô Mỹ hoang mang.

Lãnh đạo cấp cao của một công ty ô tô cho biết: “Không thể sản xuất động cơ nếu thiếu loại nam châm này. Nếu muốn duy trì sản xuất xe điện tại Mỹ, vấn đề này bắt buộc phải được giải quyết”.

Theo quy định mới của Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ phải xin giấy phép xuất khẩu khoáng sản từ Trung Quốc. Quá trình này có thể kéo dài vài tháng khiến các nhà sản xuất ô tô không chắc liệu họ có kịp bổ sung nguồn vật liệu quý giá này hay không.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng chính quyền của ông đang tích cực đàm phán thương mại với Bắc Kinh, vẫn chưa thể xác định liệu những cuộc thảo luận có khiến Trung Quốc mềm mỏng hơn về lập trường của mình đối với việc xuất khẩu khoáng sản hay không.

CEO Tesla Elon Musk gần đây cho biết việc thiếu nam châm có thể khiến kế hoạch chế tạo robot hình người Optimus tại nhà máy của công ty bên ngoài Austin, Texas bị gián đoạn.

Elon Musk nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ xin được giấy phép sử dụng nam châm đất hiếm. Trung Quốc muốn đảm bảo các vật liệu này không được sử dụng cho mục đích quân sự, mà rõ ràng là không phải vậy”.

Trả đũa thuế quan, Trung Quốc siết chặt xuất khẩu mặt hàng Mỹ lệ thuộc, Elon Musk cũng lo ngay ngáy vì biết Mỹ thiếu cả trữ lượng lẫn chuyên môn- Ảnh 1.

Nhà máy Tesla tại Mỹ

Dysprosi là điển hình cho nhóm khoáng sản đất hiếm. Chúng được một nhà hóa học người Pháp phát hiện năm 1886 và đặt tên theo từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là "khó khai thác". Dysprosi hiện được khai thác tại Trung Quốc, Myanmar, Australia và Mỹ, nhưng quá trình tinh chế để đạt chất lượng đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp và tốn kém. Và phần lớn chuyên môn đều tập trung tại Trung Quốc.

Theo ước tính của các nhà phân tích, các công ty hiện chỉ còn đủ lượng nam châm và đất hiếm dự trữ đến hết tháng 5. Giá của các nguyên tố đất hiếm này đã tăng vọt. Nhà phân tích Neha Mukherjee tại Benchmark Mineral Intelligence cho biết giá của terbi, một nguyên tố đất hiếm khác được sử dụng trong nam châm, đã tăng 25% trong tháng này.

Dù các khoáng sản đất hiếm khá phổ biến trong tự nhiên, việc tinh chế để đạt độ tinh khiết cao lại không hề dễ dàng. Chúng là thành phần không thể thiếu trong các công nghệ hiện đại, từ vệ tinh, máy bay chiến đấu, máy quét CT đến loa iPhone. Các hãng xe đang phải rà soát toàn bộ danh mục linh kiện để xác định các bộ phận bị ảnh hưởng. Họ tìm thấy chúng trong màn hình tablo, hệ thống phanh, cần số, gạt nước cho tới một số loại đèn pha.

Trung Quốc cung cấp hơn 90% đất hiếm toàn cầu. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào khác ngoài Trung Quốc có thể sản xuất chúng với quy mô và chi phí tương đương. Việc phụ thuộc vào đất hiếm từ Trung Quốc đang trở thành tâm điểm chú ý của các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách.

Trả đũa thuế quan, Trung Quốc siết chặt xuất khẩu mặt hàng Mỹ lệ thuộc, Elon Musk cũng lo ngay ngáy vì biết Mỹ thiếu cả trữ lượng lẫn chuyên môn- Ảnh 2.

Khai thác đất hiếm ở Trung Quốc.

Những xáo trộn do một mắt xích trong chuỗi cung ứng ô tô cho thấy ngành công nghiệp xe hơi hiện đại phụ thuộc như thế nào vào thương mại toàn cầu. Đồng thời, những nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm thay đổi toàn cầu hóa đang phơi bày các lỗ hổng trong ngành sản xuất Mỹ. Và những lỗ hổng đó không dễ lấp đầy.

Trong một số trường hợp, các nhà sản xuất ô tô đã tìm được các linh kiện không sử dụng đất hiếm. Nhưng với động cơ điện, gần như không có lựa chọn thay thế khả thi ngoài nam châm vĩnh cửu.

Mỹ đang chịu thiệt hại gấp đôi. Quốc gia này hiện chỉ có một mỏ dysprosi quy mô lớn ở California. Các cơ sở tinh chế đang trong giai đoạn mới bắt đầu hoạt động. Ngay cả khi hoạt động hết công suất, mỏ này cũng không thể đáp ứng nhu cầu của toàn ngành sản xuất Mỹ. Để tự chủ nguồn cung, Mỹ sẽ cần nhiều mỏ và nhà máy hơn nữa.

Theo báo cáo của S&P Global Market Intelligence, việc phát triển một mỏ mới ở Mỹ mất trung bình 29 năm. Thách thức lớn hơn là hiện Mỹ chưa thể tách được dysprosi ra khỏi quặng thô.

Việc Trung Quốc đi trước một bước trong việc khai thác và tinh chế các nguyên tố quý này khiến việc xây dựng các nguồn thay thế trở nên khó khăn. Nhà phân tích Mukherjee cho biết: " Tại Trung Quốc, chi phí sản xuất từ quặng đến ôxít dysprosium chỉ khoảng 11-15 USD/kg. Trong khi đó, chi phí tại Brazil là khoảng 35-40 USD/kg và tại Mỹ hoặc Australia chi phí còn cao hơn".

Ngoài ra, một số công đoạn kỹ thuật tinh luyện quan trọng hiện chỉ có các công ty Trung Quốc nắm giữ. Đây vừa là vấn đề cấp phép, vừa là vấn đề công nghệ và trình độ chuyên môn.

Theo WSJ

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/tra-dua-thue-quan-trung-quoc-siet-chat-xuat-khau-mat-hang-my-le-thuoc-elon-musk-cung-lo-ngay-ngay-vi-biet-my-thieu-ca-tru-luong-lan-chuyen-mon-a234461.html