Pharmacity thu hồi 4 sản phẩm liên quan công ty làm hàng giả

() - Hệ thống Nhà thuốc Pharmacity vừa phát đi thông cáo đã thu hồi toàn bộ các sản phẩm liên quan đến Công ty Herbitech và các công ty liên kết.

"Baby Shark" và "Medi Kid Calcium K2" - hai cái tên từng được không ít phụ huynh tin tưởng lựa chọn cho con em mình, đã bị Bộ Công an xác định là hàng giả, được sản xuất bởi Công ty TNHH công nghệ Herbitech (Sóc Sơn, Hà Nội).

Đáng nói, hai sản phẩm này không phải trường hợp cá biệt. Cơ quan điều tra phát hiện công ty này còn gia công và phân phối hơn 200 sản phẩm thực phẩm chức năng khác, với tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, chủ yếu gắn mác nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ.

Pharmacity thu hồi 4 sản phẩm liên quan công ty làm hàng giả - 1

Sản phẩm giả của Công ty Herbitech được xác định là giả (Ảnh: CAND).

Phạm Vũ Khiêm - Giám đốc công ty Herbitech, thừa nhận đã sửa phiếu kết quả thử nghiệm, giả mạo chỉ tiêu đạt để hợp thức hóa sản phẩm ra thị trường.

Những lọ sản phẩm này sau đó được "biến hóa" trở nên hoàn hảo trên giấy tờ, từ giấy công bố đến kết quả kiểm nghiệm, để rồi bày bán công khai tại các nhà thuốc, gian hàng online.

Pharmacity thu hồi và hoàn tiền 100% sản phẩm liên quan Herbitech

Theo thông tin từ Pharmacity, công ty này đã thu hồi toàn bộ các sản phẩm liên quan đến Công ty Herbitech và các công ty liên kết trên hệ thống nhà thuốc. Ngoài ra, Pharmacity đã chủ động triển khai tạm dừng kinh doanh và thu hồi các sản phẩm do Công ty Herbitech sản xuất, bao gồm:

- PMC Hoạt Huyết

- PMC Gingko Biloba

- PMC Joint Care

- PMC Liver Support

Các sản phẩm này được Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Giang Sài Gòn đăng ký, công bố và phân phối.

Pharmacity thu hồi 4 sản phẩm liên quan công ty làm hàng giả - 2

Pharmacity vừa phát đi thông cáo đã thu hồi toàn bộ các sản phẩm liên quan đến Công ty Herbitech và các công ty liên kết (Ảnh minh họa: Pharmacity).

Trước và trong quá trình phân phối các sản phẩm này, Pharmacity cho biết, đã chủ động đầu tư kinh phí (mặc dù trách nhiệm này thuộc về nhà sản xuất và nhà phân phối), để tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm định kỳ tại Viện Kiểm định và Kiểm nghiệm chất lượng VNTest (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép).

Đơn vị này cũng đã thu thập các báo cáo do Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Giang Sài Gòn cung cấp thay mặt cho Công ty Herbitech.

"Mỗi báo cáo, bao gồm cả báo cáo kiểm định độc lập và báo cáo kiểm định do Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Giang Sài Gòn cung cấp cho Nhà thuốc Pharmacity, kết quả đều cho thấy chất lượng của cả bốn sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn theo hồ sơ công bố được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép.

Mặc dù chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng, việc tạm ngừng kinh doanh vẫn được Nhà thuốc Pharmacity thực hiện với mục tiêu cao nhất là đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng, đồng thời thể hiện cam kết của Nhà thuốc Pharmacity trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm", thông cáo của Pharmacity nêu.

Đơn vị này cũng cho biết sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc thu hồi và hoàn tiền 100% cho tất cả khách hàng đã mua các sản phẩm có liên quan đến Công ty Herbitech.

Xử phạt nhẹ, quản lý chồng chéo, lơ là hậu kiểm: Kẽ hở cho thuốc, sữa giả

Chỉ vài ngày sau khi Bộ Công an công bố vụ việc liên quan đến Công ty Herbitech, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp trực tuyến và trực tiếp với các bộ, ngành và địa phương. 

Pharmacity thu hồi 4 sản phẩm liên quan công ty làm hàng giả - 3

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh: Trần Minh).

Cuộc họp nhằm đánh giá thực trạng sản xuất, lưu hành và tiêu dùng thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu vấn đề: Tại sao Việt Nam đã có các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia về An toàn thực phẩm, cơ quan quản lý chuyên môn, các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp… mà vẫn xảy ra các vụ việc như vừa rồi?

Thực tế cho thấy, bên cạnh những quy định sẵn có như Luật Dược (2006), Luật Dược sửa đổi (2024), Luật An toàn thực phẩm, cùng hàng loạt nghị định và thông tư hướng dẫn, thì vẫn tồn tại khoảng trống lớn trong khâu thực thi.

Theo Thứ trưởng Tuyên, việc kiểm tra, hậu kiểm tại nhiều địa phương chưa chặt chẽ, còn mang tính hình thức, định kỳ. Những cuộc kiểm tra đột xuất - nơi có khả năng phát hiện vi phạm thực sự - lại quá ít ỏi.

"Về tổ chức thực hiện, trách nhiệm là của các địa phương. Các tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thuốc, an toàn thực phẩm trên địa bàn như thế nào mà để xảy ra những vụ việc như vừa qua?", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Ngoài hệ thống chính quyền, Thứ trưởng Tuyên cũng đề cập đến trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất - phân phối và ý thức người tiêu dùng. Đặc biệt, ông yêu cầu rà soát lại toàn bộ quy trình tự công bố sản phẩm - một cơ chế vốn được thiết kế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng lại trở thành "kẽ hở" cho các hành vi gian dối.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), chỉ rõ nguyên nhân cốt lõi: Chế tài xử phạt hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe với các đối tượng làm hàng giả.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 192 Bộ Luật Hình sự, hành vi sản xuất buôn bán hàng giả chỉ bị xử lý hình sự đối với hàng giả (bao gồm cả thuốc…) nếu hàng giả trị giá từ 30 triệu đồng trở lên.

Pharmacity thu hồi 4 sản phẩm liên quan công ty làm hàng giả - 4

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế (Ảnh: Trần Minh).

Mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng giả theo giá trị hàng hóa là quá thấp (trường hợp đối tượng không bị xử lý hình sự, chỉ áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính), do giá trị thuốc tại cơ sở bán lẻ nhỏ lẻ rất thấp (phần lớn dưới 1 triệu đồng).

"Cơ sở kinh doanh thuốc Clorocid TW 3 giả, giá trị lọ thuốc chỉ khoảng 30.000 đồng, cơ sở chỉ có 2-3 lọ thuốc bày bán, nếu bị phát hiện, cơ sở chỉ bị xử phạt với mức phạt từ 2 đến 6 triệu đồng, hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa vi phạm", ông Hùng dẫn chứng.

TS Đỗ Thái Hòa, Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cũng thừa nhận chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, thuốc giả nhưng đang xử lý theo giá trị hàng hóa thu được.

Vì thế, cần có quy định, chế tài xử lý riêng với hàng giả trong lĩnh vực y tế vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, một số hành vi đang xử lý hành chính có thể xem xét xử lý hình sự.

Ông Lê Minh Hải, Phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, cũng thừa nhận, việc xử lý cơ sở vi phạm đôi khi khó khăn khi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra một số điểm còn lúng túng trong việc xử lý vi phạm từ phát hiện của người dân, xác định chủ thể kinh doanh, quảng cáo trên môi trường điện tử.

Việc xử lý hành vi vi phạm quảng cáo này không thuộc thẩm quyền của Sở, khi phối hợp với đơn vị có thẩm quyền thì thời gian xử lý chậm.

Vì thế, phát hiện đã khó, nhưng khi phát hiện một số trường hợp lại lúng túng trong xử lý.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 10/5, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho hay không có quốc gia nào quy định người sản xuất kinh doanh công bố hợp quy sản phẩm trước khi sản xuất, đưa hàng hóa ra thị trường như Việt Nam.

Đại biểu nêu, các cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào kiểm soát thủ tục công bố hợp quy và các yêu cầu, điều kiện tiền kiểm mà lơ là hậu kiểm.

Còn người tiêu dùng lại bị đánh lừa bởi các chiêu bài quảng cáo là chất lượng và an toàn sản phẩm đã được công nhận bởi bộ, ngành.

Ông dẫn chứng thêm bài học của vụ sữa giả kém chất lượng vừa qua là "điển hình của việc lơ là trong hậu kiểm".