Nồi canh chua đãi 10 anh lính cách mạng ngày 30-4

50 năm sau, ký ức thời khắc lịch sử 30-4-1975 đối với ông Nguyễn Thiện Bảo như mới hôm qua. Ông vẫn xúc động nhớ như in hình ảnh người lính cách mạng dạy ông và đám trẻ hát vang "Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh...".

Nồi canh chua đãi 10 anh lính cách mạng ngày 30-4 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thiện Bảo (trái) và đồng đội thời còn trẻ đi bộ đội tình nguyện cứu giúp nhân dân Campuchia - Ảnh: NVCC

Những ngày cuối tháng 4-1975, chiến sự tại miền Nam Việt Nam bước vào giai đoạn căng thẳng tột độ. Khi ấy dù chỉ mới 11 tuổi, ông Nguyễn Thiện Bảo vẫn cảm nhận được sự chuẩn bị đổi thay lịch sử với dân tộc mình.

Bà nội tôi mới mổ cườm mắt mà cũng lò mò kêu tôi dẫn ra để dòm mấy anh lính, coi mặt mũi mấy ảnh dễ thương ra làm sao.

Ông NGUYỄN THIỆN BẢO

Coi mấy anh lính dễ thương làm sao

Ngày tháng khó quên đó, gia đình ông Bảo (61 tuổi, TP.HCM) sống trong căn nhà ba tầng trên đường Dạ Nam (quận 8).

Gần trưa 30-4-1975, trên radio, tướng Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Việt Nam cộng hòa buông súng đầu hàng vô điều kiện, bàn giao chính quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngay lập tức, ông Bảo thấy những người trong xóm đổ xô ra đường, trước mắt họ là cảnh tượng chưa từng thấy: lính Việt Nam cộng hòa buông súng, cởi áo, tản ra chạy trong hỗn loạn. Quân cách mạng từ hướng Long An đi thành hàng dài hai bên đường lộ lớn.

Quận 8 khi ấy còn nhiều đồng ruộng, kênh rạch. Ông Bảo kể: "Tôi ấn tượng mấy anh lính mặc quần ni lông, áo cũng bằng ni lông màu xanh, ướt mem hết trơn. Trên vai họ là súng với một cái bao ruột tượng đựng gạo".

Người dân Sài Gòn lúc đó thấy không còn nổ súng nữa mới tò mò, ra ngó nghiêng, xem mặt mấy "ông Việt cộng".

"Bà nội tôi mới mổ cườm mắt mà cũng lò mò kêu tôi dẫn ra để dòm mấy anh lính, coi mặt mũi mấy ảnh dễ thương ra làm sao", ông Bảo cười giòn kể lại.

Ngày đó quân ta chưa có đủ chỗ đóng quân nên phía chỉ huy đã liên hệ xin cho bộ đội một tổ ba người vô nhà dân tá túc trong lúc chờ có căn cứ mới. Vậy là người dân háo hức đón vào nhà, chiến sĩ cách mạng ở với dân cả tuần.

"Nhà tôi ba tầng rộng rãi nên đón được 10 chiến sĩ", ông Bảo nhớ lại.

Nồi canh chua đãi 10 anh lính cách mạng

Trong mắt đứa trẻ 11 tuổi ngày ấy như ông Bảo, các anh lính "ngộ ngộ, lạ lạ" nhưng đeo súng rất oai phong, mặt mày nghiêm nghị nhưng cũng thật thà, dễ thương.

"Thấy má tôi lật đật vô bếp lấy gạo nhà nấu cơm, mấy anh lính mới nói tụi tui có gạo, nhờ bà nấu giùm thôi. Má tôi muốn đãi các anh một bữa ngon nên chạy ra chợ Rạch Ông mua hai con cá hú đem về nấu một nồi canh chua số mười bự tổ chảng", ông Bảo nhớ lại.

Buổi chiều hôm ấy, ông Bảo cảm nhận được niềm hạnh phúc bình dị toát lên từ hình ảnh những anh lính ngồi quây quần ăn cơm rất ngon lành sau một chuyến hành quân lịch sử. Đó có lẽ là bữa cơm đầu tiên của họ trong hòa bình, không tiếng súng.

30-4-1975: Ngày trở về - Kỳ 3: Sài Gòn, những ngày đầu hòa bìnhĐỌC NGAY

Ăn cơm xong, một anh lính đứng dậy hỏi ông Bảo: "Con ơi, chỗ nào đi tắm đâu, dẫn cho chú đi tắm". Bảo liền nhanh nhảu chạy về hướng nhà tắm chỉ vô cánh cửa mở sẵn, nói: "Chú vô đây tắm nè chú!".

Ngày đó người Sài Gòn không gọi là nước máy mà gọi là "nước phông tên", hay "nước rôminê". Anh lính bước vô, vặn vòi nước chảy xối, rồi buông một câu nhẹ tênh mà đến giờ ông Bảo đã ngoài sáu mươi vẫn không quên được: "Mấy chục năm rồi mới được tắm nước phông tên".

Những ngày sau đó, đám con nít trong xóm cứ ríu rít bu quanh các anh bộ đội. Ông Bảo kể các anh có tác phong, kỷ cương vô cùng nghiêm túc, mà đối với trẻ con lại dễ gần, dễ mến thành ra mấy đứa con nít như ông cứ chạy theo để chơi cùng.

"Mấy ảnh dạy cho tôi và mấy đứa con nít hát vầy nè: Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…", ông Bảo nghẹn ngào rồi nói tiếp: "Đâu phải ai cũng có được những kỷ niệm đó đâu…".

Sự kế thừa kiên cường

Chỉ vài ngày được sống chung với bộ đội nhưng trong thời khắc thiêng liêng của dân tộc, hạt giống đời lính đã âm thầm nảy nở trong lòng ông Bảo mà ngày ấy còn là cậu bé 11 tuổi.

Như một sự tiếp nối đầy tự hào, mười năm sau (1985), ông Bảo trở thành lính tình nguyện của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia chiến đấu chống quân Pol Pot tại Campuchia.

"Khi thì hành quân ngày đêm, lúc băng rừng lội suối, tôi cũng mang cái ruột tượng đựng 7-9kg gạo, cơm không kịp ăn, nước không có uống. Tôi sực nhớ câu nói của các anh lính ngày 30-4-1975 rằng mấy chục năm kháng chiến không biết tắm nước phông tên là gì. Còn tôi suốt bốn năm chiến trường cũng có biết cái gì là nước phông tên đâu", ông Bảo cười.

Nhưng ngay lập tức giọng ông chùng xuống khi nhắc đến những "thằng bạn" năm nào trên đất Campuchia.

"Ngày xưa lính chúng tôi qua Campuchia đều gọi nhau là đồng hương. Tại vì mình đi xa Tổ quốc, mình qua xứ người thì những người lính cầm súng như mình không chỉ là đồng chí, đồng đội mà trên tất cả còn đều là đồng hương với mình".

Trong quân ngũ, ông Bảo luôn tự hào vì được rèn giũa lòng yêu nước, thương dân, tinh thần tự cường, dũng cảm và kỷ cương quân đội. Nhưng cũng chính những năm tháng đó, ông tận mắt chứng kiến sự chia ly, mất mát và khốc liệt của chiến tranh.

Bằng trái tim của một người trai trẻ, ông đau đớn khôn nguôi khi có những chiến sĩ "đồng hương" đã chết trên tay mình.

"Làm sao tôi quên được những đồng hương của tôi đã "mãi mãi tuổi hai mươi". Tôi còn sống để ngắm nhìn non sông tươi đẹp sau 50 năm độc lập, nhưng biết bao đồng hương của tôi vẫn còn nằm lại ở những cánh rừng biên giới Campuchia. Họ có về được đâu…", ông Bảo nghẹn ngào, không thể nói thêm lời nào…

Kế thừa tinh thần kiên cường của đoàn quân cách mạng về Sài Gòn ngày 30-4-1975, ông Bảo cùng đồng đội đã vượt qua rất nhiều gian nguy để tình nguyện cứu giúp nước bạn Campuchia.

Nhiều bữa họ phải gọt bỏ những phần cơm nắm mốc meo, chia nhau từng lõi cơm còn ăn được. Có những chiến sĩ phải bẻ ống nước cất nhỏ xíu thoa lên môi đồng đội cầm cự qua cơn khát. Có những ngày họ phải ôm thi thể đồng đội đẫm máu trên tay...

Nhưng tất cả không một ai sờn lòng vì đã kế thừa tinh thần anh hùng của người lính Cụ Hồ.

Háo hức đón chiến sĩ ở chung nhà ngày 30-4 - Ảnh 2.Những bước chân Việt Nam tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc dịp lễ 30-4

Những bước chân Việt Nam với chủ đề Đường đến hòa bình tái hiện những giai đoạn lịch sử trong hành trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề