Những sự kiện tài chính quan trọng sẽ diễn ra trong tuần 5-10/5

Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và một số ngân hàng trung ương khác tuần tới sẽ họp về lãi suất sau khi dữ liệu GDP yếu kém của Mỹ và lời chỉ trích thẳng thắn của Tổng thống Donald Trump đối với ban lãnh đạo Fed khiến các thị trường chao đảo.

Dữ liệu về thương mại của Trung Quốc và số liệu lạm phát của Châu Á dự kiến ​​sẽ cho thấy những dấu hiệu đầu tiên về tác động của chính sách thuế quan của ông Donald Trump, trong khi các cuộc bầu cử sẽ diễn ra ở Úc, Romania và Singapore.

Dưới đây là những sự kiện đáng chú ý trong tuần 5-10/5/2025:

1/ FED HỌP VỀ LÃI SUẤT

Cuộc họp chính sách của Fed diễn ra sau khi dữ liệu cho thấy GDP quý I/2025 của Mỹ giảm và Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực với ngân hàng trung ương trong việc cắt giảm lãi suất.

Thị trường nhìn chung dự đoán ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp sẽ diễn ra vào thứ Tư (7/5). Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm mà thị trường muốn biết lúc này là thời điểm ngân hàng này có thể tiếp tục chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, và liệu tháng 6 có phải là cuộc họp "trực tiếp" để thực hiện điều đó hay không?

Các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phải cân bằng giữa mối lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế với lo ngại về lạm phát quay trở lại do thuế quan gây ra.

Và họ chịu áp lực rất lớn về chính trị. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích chính sách của Fed và người đứng đầu Fed, Jerome Powell, làm dấy lên mối lo ngại về tính độc lập của ngân hàng trung ương Mỹ, mặc dù gần đây ông dường như đã không còn dọa sẽ cố gắng sa thải chủ tịch Fed.

Những sự kiện tài chính quan trọng sẽ diễn ra trong tuần 5-10/5- Ảnh 1.

Lãi suất và lạm phát của Mỹ.

2/ DỮ LIỆU QUAN TRỌNG CỦA CHÂU Á

Trong khi còn chưa chắc chắn về tiến triển trong các cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ, các nhà đầu tư sẽ theo dõi dữ liệu thương mại từ Trung Quốc, công bố vào ngày 9/5.

Là dữ liệu đầu tiên của Trung Quốc được công bố kể từ khi mức thuế 145% của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hầu hết hàng hóa của Trung Quốc có hiệu lực, dữ liệu này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về tác động của thuế cao đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các số liệu về lạm phát sẽ được công bố vào ngày 10/5. Nếu cuộc xung đột thương mại kéo dài, Trung Quốc có thể sẽ rơi vào tình trạng giảm phát.

Ở những nơi khác tại Châu Á, Indonesia, Thái Lan và Philippines sẽ công bố dữ liệu về tăng trưởng kinh tế và giá tiêu dùng. Những rủi ro do Mỹ tăng thuế quan đã làm giảm triển vọng tăng trưởng trong khu vực và làm gia tăng lo ngại về sự cần thiết phải cắt giảm lãi suất nhiều hơn.

Những sự kiện tài chính quan trọng sẽ diễn ra trong tuần 5-10/5- Ảnh 2.

Dữ liệu thương mại của Trung Quốc.

3/ CHÂU ÂU LO NGẠI VỀ THUẾ QUAN

Một số xu hướng tích cực bất thường ở Vương quốc Anh trở nên nổi bật khi mà nỗi lo sợ về thuế quan đang bao trùm hầu hết thế giới, với đồng bảng Anh tăng lên mức cao nhất trong ba tháng so với đồng USD, chỉ số chứng khoán FTSE All-share tăng 10% trong vòng 4 tuần và kỳ vọng lãi suất sẽ được cắt giảm.

Lo ngại tác động từ xung đột thương mại toàn cầu đối với nền kinh tế của Anh, cùng với hàng nhập khẩu rẻ hơn và dự đoán tăng trưởng tiền lương chậm lại, đã khiến Ngân hàng Anh (BoE) phải lên kịch bản về khả năng kinh tế nước này sẽ rơi vào giảm phát.

Hầu như tất cả các nhà giao dịch đều dự đoán BoE sẽ cắt giảm chi phí đi vay 1/4 điểm vào thứ Năm (8/5). Thị trường cũng dự đoán ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank) sẽ có động thái tương tự vào cùng ngày, và những điều này có thể sẽ thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Châu Âu giảm lãi suất lần thứ 8 liên tiếp trong cuộc họp vào tháng 6 tới.

Trái phiếu Anh cũng đang tăng giá, với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 56 điểm cơ bản so với mức cao nhất hồi tháng 1, giúp cho chính phủ Lao động đang gánh nặng nợ một số dư địa để chống lại việc cắt giảm chi tiêu sâu hơn và tăng thuế mạnh hơn.

Những sự kiện tài chính quan trọng sẽ diễn ra trong tuần 5-10/5- Ảnh 3.

Lãi suất của 10 nền kinh tế phát triển.

4/ LÃI SUẤT Ở CÁC THỊ TRƯỜNG MỚI NỔI

Đối với các ngân hàng trung ương thị trường mới nổi, câu chuyện còn phức tạp hơn nữa, khi họ phải điều hướng cuộc xung đột thương mại thương mại làm sao để giảm thiểu các tác động đối với lạm phát trong bối cảnh USD yếu đi.

Trong khi hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đang cân nhắc việc khi nào thì hạ lãi suất thêm nữa, thì ngân hàng trung ương Brazil đang trên đà tăng lãi suất, ít nhất là cho đến hiện tại.

Thống đốc ngân hàng trung ương Brazil, Gabriel Galipolo, đã xác nhận khả năng tăng lãi suất tại cuộc họp vào thứ Ba và thứ Tư (6-7/5) khi nền kinh tế lớn nhất của Mỹ Latinh phải đối mặt với triển vọng kinh tế vẫn chưa chắc chắn và lạm phát cao hơn mục tiêu.

Lãi suất tham chiếu của Ba Lan đã ở mức 5,75% kể từ tháng 10/2023 và ho đã lên kế hoạch cho một đợt cắt giảm vào những tháng tới. Nhưng áp lực lạm phát thấp hơn dự kiến ​​đã khiến ngày càng nhiều các nhà hoạch định chính sách nước này phát tín hiệu rằng chi phí tín dụng có thể sẽ được giảm sớm hơn dự kiến. Ngân hàng trung ương Ba Lan cũng sẽ họp vào ngày 6-7/5.

Những sự kiện tài chính quan trọng sẽ diễn ra trong tuần 5-10/5- Ảnh 4.

Lãi suất ở thị trường mới nổi tính đến hết tháng 4/2025.

Tham khảo: Reuters