Vừa qua, Bộ Công an cho biết đã triệt phá một đường dây sản xuất thực phẩm chức năng giả quy mô lớn.
Hai sản phẩm bị phát hiện làm giả trong đường dây nêu trên là BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2, sản xuất tại Công ty TNHH Công nghệ Herbitech (Sóc Sơn, Hà Nội).
Các sản phẩm này được quảng cáo nhập khẩu từ châu Âu. Tuy nhiên, qua điều tra, cơ quan chức năng xác định chất lượng thực tế của các sản phẩm trên không đúng như thông tin công bố. Sự việc khiến dư luận không khỏi lo ngại, đặt ra câu hỏi về mối nguy hại nếu chẳng may dùng phải hàng giả.

Các sản phẩm của Công ty Herbitech được xác định là giả (Ảnh: CAND).
Nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Dược sĩ chuyên khoa I Phạm Ngọc Thảo Uyên, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn (TPHCM) cho biết, những sản phẩm thực phẩm chức năng giả thường không đảm bảo thành phần hoạt chất như đã công bố, thậm chí có thể chứa các chất nguy hiểm.
Việc sử dụng thực phẩm chức năng giả có thể gây ra các phản ứng dị ứng, ngộ độc hoặc thậm chí là suy gan, suy thận nếu sử dụng lâu dài.
Hiện nay, không chỉ người trưởng thành hay người cao tuổi, trẻ em cũng là đối tượng được nhiều phụ huynh cho sử dụng thực phẩm chức năng với kỳ vọng tăng cường sức khỏe và phát triển thể chất.
Tuy nhiên, trẻ em (nhất là trẻ sơ sinh) có hệ miễn dịch và chức năng gan thận chưa hoàn thiện, nên rất nhạy cảm với các chất lạ. Do đó, nếu trẻ dùng phải thực phẩm chức năng giả có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như rối loạn tiêu hóa, suy hô hấp, thậm chí đe dọa tính mạng.
Dược sĩ Thảo Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn phân tích các nguy cơ như sau:
Nguy cơ về hàm lượng hoạt chất
Các sản phẩm thực phẩm chức năng giả nếu có hàm lượng các hoạt chất không đúng như công bố sẽ xuất hiện dưới hai hình thức.
Thứ nhất, hàm lượng thấp hơn công bố, khiến trẻ không nhận đủ dưỡng chất cần thiết, ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và trí tuệ.
Thứ hai, hàm lượng cao hơn công bố. Việc sử dụng quá liều một số dưỡng chất có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc hoặc tác dụng phụ nghiêm trọng.
Ô nhiễm vi sinh vật và tạp chất
Việc sản xuất thực phẩm chức năng thiếu kiểm soát chất lượng có thể dẫn đến sự hiện diện của vi khuẩn, nấm, tạp chất nguy hiểm khác trong sản phẩm.
Đó là các vi sinh vật như E.coli, Salmonella (có thể gây tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm); nấm mốc và độc tố nấm (gây hại gan, thận). Bên cạnh đó, kim loại nặng tích tụ trong cơ thể có thể làm tổn thương não và các cơ quan nội tạng. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với người tiêu dùng, nhất là trẻ em.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn khám và tư vấn sức khỏe cho người dân (Ảnh: Bệnh viện).
Rủi ro từ thành phần không khai báo
Thực phẩm chức năng giả có thể chứa các thành phần không được khai báo, bao gồm cả những dược chất bị cấm hoặc hạn chế sử dụng.
Điều này tiềm ẩn nhiều mối nguy, như gây dị ứng nghiêm trọng cho người dùng; tương tác với thuốc đang sử dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị; gây ra các tác dụng phụ không lường trước được.
Hậu quả nặng nề nếu sử dụng lâu dài
Việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng kém chất lượng trong thời gian dài có thể dẫn đến những tác động nghiêm trọng, bao gồm:
- Rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
- Tổn thương gan, thận do phải xử lý các chất độc hại tích tụ trong cơ thể.
- Suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc bệnh.
Nhầm lẫn tai hại về thực phẩm chức năng
Dược sĩ Uyên chia sẻ thêm, hiện nay nhiều sản phẩm nhập khẩu được in hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, khiến người dùng không thể kiểm chứng nguồn gốc hay thành phần. Trong khi đó, tem nhãn phụ (nếu có) lại thường sơ sài, dễ bị làm giả.
Người tiêu dùng, nhất là người cao tuổi không hiểu rõ cách dùng và liều lượng, lại không được tư vấn đúng từ chuyên gia y tế nên rất dễ có những nhầm lẫn tai hại.
"Thực phẩm chức năng không phải là thuốc, không có tác dụng điều trị bệnh. Chúng chỉ có vai trò hỗ trợ sức khỏe hoặc bổ sung dinh dưỡng trong một số trường hợp.
Vì vậy, nếu người bệnh hiểu lầm công dụng của thực phẩm chức năng, đặc biệt là hàng giả và bỏ qua điều trị y khoa cần thiết, hậu quả có thể rất nghiêm trọng", dược sĩ chuyên khoa I Phạm Ngọc Thảo Uyên nhấn mạnh.
Để sử dụng thực phẩm chức năng một cách hiệu quả và an toàn, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần lưu ý lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được phân phối bởi các nhà nhập khẩu chính thức tại Việt Nam và được kiểm định chất lượng bởi cơ quan y tế có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thực phẩm chức năng nên có sự tư vấn từ nhân viên y tế, để chọn đúng liều lượng và thời gian sử dụng phù hợp với tình trạng sức khỏe. Với người mắc bệnh mạn tính, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị chính, không nên thay thế thuốc bằng thực phẩm chức năng.