Ngày 14/7, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho hay, đơn vị này vừa điều trị thành công cho một người bệnh bị xuất huyết ruột non rất hiếm gặp.
Trước đó, người đàn ông tên T.T. (53 tuổi) được đưa vào viện với tình trạng đi cầu phân đen kéo dài, thiếu máu nặng, suy kiệt thể lực và giảm vận động toàn thân.
Ban đầu, nội soi dạ dày và đại tràng không tìm thấy vị trí chảy máu. Tuy nhiên, hemoglobin giảm nhanh xuống 5.6 g/dL chỉ sau vài ngày, báo động một ca xuất huyết tiêu hóa nguy kịch.
Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân xuất huyết từ ruột non. Đây là khu vực khó tiếp cận và chẩn đoán trong y khoa, thường được gọi là “vùng bóng tối” của hệ tiêu hóa.

Điểm xuất huyết ở ruột non thông qua hình ảnh nội soi (Ảnh: BV).
Với tiền sử phức tạp gồm phẫu thuật áp xe não, tai biến mạch máu não và sử dụng thuốc giảm đau (NSAIDs) dài ngày, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao do xuất huyết tiêu hóa âm thầm.
Ngay lập tức, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn khẩn cấp liên viện, quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Ê-kíp phẫu thuật có sự tham gia của khoa Ngoại tổng quát, Nội soi tiêu hóa, Gây mê hồi sức và Chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là sử dụng kỹ thuật nội soi ruột non trong lúc phẫu thuật (Intraoperative Enteroscopy – IOE).
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện một đoạn ruột non dài 5cm sượng cứng, nghi loét, kèm hạch mạc treo lớn 3cm. Kết quả nội soi trực tiếp trong lúc mổ cũng xác định ổ loét rộng 2cm, đáy mỏng, đang rỉ máu, cách góc hồi manh tràng 60cm, cùng nhiều ổ loét nông rải rác khác.
Ê-kíp đã cắt bỏ đoạn ruột tổn thương. Lưu thông tiêu hóa được tái lập an toàn. Chỉ sau 48 giờ hậu phẫu, bệnh nhân tỉnh táo, huyết động ổn định, bụng mềm, tự thở.
Xuất huyết ruột non là tình trạng hiếm nhưng nguy hiểm, với các nguyên nhân thường gặp bao gồm loét ruột non do thuốc (NSAIDs), u mạch, Crohn, khối u, hoặc dị dạng mạch máu.
Tình trạng này thường bị bỏ sót do khó chẩn đoán. Các phương pháp như nội soi viên nang, nội soi bóng kép hay chụp CT/DSA thường không đủ hiệu quả.
Trong trường hợp này, kỹ thuật IOE đã chứng minh giá trị vượt trội. Một nghiên cứu tại Hàn Quốc cho thấy phương pháp này giúp xác định nguồn chảy máu trong 92% trường hợp, thay đổi hướng điều trị ở 37% bệnh nhân.
Báo cáo năm 2023 và nghiên cứu tại Brazil năm 2024 khẳng định IOE đạt hiệu quả 100% trong các ca xuất huyết ruột non nặng, không ghi nhận biến chứng.