Người đàn ông nguy kịch sau khi ăn món quen thuộc trên mâm cơm người Việt

() - Bị sặc khi đang ăn món quen thuộc trên mâm cơm của người Việt, người đàn ông lâm dần vào khó thở, ho liên tục kèm ra máu, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.

Đó là trường hợp của anh N.T.T. (42 tuổi). Người đàn ông vừa trải qua hành trình chữa bệnh kéo dài và gian nan.

Suýt chết vì món ăn quen thuộc

Mọi việc bắt đầu khoảng 1 tháng trước, khi anh T. bị sặc trong lúc ăn món canh chua đầu cá lóc - một món ăn rất quen thuộc trên mâm cơm của người Việt. Nghĩ rằng chỉ sặc do ăn cay, anh không đi khám ngay. Nhưng trong những tuần tiếp theo, anh bắt đầu ho liên tục, ho ra máu dai dẳng.

Lo sợ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, anh T. đi khám ở bệnh viện địa phương và được chỉ định chụp X-quang phổi nhưng không thấy bất thường.

Sau hơn nửa tháng tái khám liên tục do khó thở kèm ho ra máu lẫn đờm xanh, bệnh viện địa phương nghi ngờ anh bị lao phổi, nên đề nghị người đàn ông chuyển lên bệnh viện tuyến trên để được chẩn đoán kỹ hơn.

Người đàn ông nguy kịch sau khi ăn món quen thuộc trên mâm cơm người Việt - 1

Chiếc xương cá dài 2cm trong phế quản bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện Nam Sài Gòn).

Trong tâm trạng hoang mang, anh T. bỏ dở mọi kế hoạch kinh doanh để đi khám khắp nơi, trước khi được một bác sĩ phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mắc dị vật ở phế quản.

Lúc này bệnh nhân được giới thiệu đến gặp thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Vân Thanh, chuyên gia về nội soi hô hấp từng có nhiều năm làm việc tại một bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM, đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

Qua kết quả chụp CT cắt lớp, bác sĩ Vân Thanh phát hiện dấu hiệu một dị vật nằm ở góc trái phế quản của người đàn ông. Khi quan sát kỹ hơn, bác sĩ nhận ra đó là một mảnh xương cá dài khoảng 2cm.

Bác sĩ nhận định, rất có thể trong lần sặc thức ăn trước đó, mảnh xương này đã theo đường thở rơi xuống phế quản và nằm lại đó suốt hơn một tháng. Những cơn ho liên tục của anh T. không đẩy được dị vật ra ngoài, mà càng khiến tình trạng tổn thương phế quản trầm trọng hơn.

Người đàn ông nguy kịch sau khi ăn món quen thuộc trên mâm cơm người Việt - 2

Mảnh xương cá sau khi được gắp ra ngoài (Ảnh: Bệnh viện Nam Sài Gòn).

Không chần chừ, bác sĩ Vân Thanh quyết định sử dụng phương pháp nội soi hô hấp ống mềm kết hợp gây mê để lấy mảnh xương ra khỏi đường thở của anh T. Ca nội soi diễn ra nhanh chóng, mảnh xương cá đã được loại bỏ hoàn toàn chỉ trong 30 phút và phế quản của người bệnh được vệ sinh sạch sẽ.

Sau nội soi, người bệnh có thể thở dễ dàng hơn trước, ăn uống bình thường, sức khỏe ổn định và xuất viện vào buổi chiều cùng ngày. 

Nhiều biến chứng nguy hiểm khi hóc dị vật

Bác sĩ Vân Thanh chia sẻ, bệnh nhân rất may mắn vì phát hiện dị vật kịp thời. Trong quá trình gắp dị vật, bác sĩ nhận thấy mô hạt (loại mô mềm mới hình thành trong quá trình lành vết thương) đã mọc dày đặc quanh mảnh xương cá, khiến lòng phế quản bị hẹp đi khoảng 30%.

"Nếu để lâu hơn, nguy cơ xảy ra tắc phế quản là rất cao. Những dị vật sắc nhọn như xương động vật mắc kẹt trong đường thở có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, từ mô hạt hoại tử đến tắc nghẽn hoặc xẹp phế quản, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời", bác sĩ Vân Thanh nói.

Ngoài trường hợp trên, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn vừa qua cũng tiếp nhận điều trị cho anh T.Q.D. (48 tuổi, Nha Trang) bị hóc dị vật nguy hiểm. Trước đó, trong một bữa ăn, anh D. bị sặc và một mảnh xương vịt rất lớn (dài 2cm, rộng 2cm) rơi xuống phế quản trái.

Người đàn ông nguy kịch sau khi ăn món quen thuộc trên mâm cơm người Việt - 3

Bác sĩ Vân Thanh nội soi can thiệp cho một trường hợp hóc dị vật nguy hiểm (Ảnh: Bệnh viện Nam Sài Gòn).

Suốt thời gian dài, anh phải chịu đựng những cơn khó thở, khó nuốt và ho không dứt. Sau khi được bác sĩ Vân Thanh điều trị với phương pháp nội soi ống mềm, gắp mảnh xương vịt ra khỏi cơ thể, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên loại bỏ xương động vật trong quá trình sơ chế thực phẩm, đồng thời tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt để tránh rơi vào các tai nạn hóc dị vật.

Nếu gặp triệu chứng ho kéo dài, khó thở, nuốt vướng sau khi sặc thức ăn, người bệnh cần đến ngay bệnh viện có chuyên khoa Hô hấp để kiểm tra và lấy dị vật (nếu có), tránh biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hay hoại tử phổi.