Một mặt hàng Việt Nam bị phía Mỹ áp thuế đến 800%: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói gì?

Mức thuế trung bình là 395,9%.

Một mặt hàng Việt Nam bị phía Mỹ áp thuế đến 800%: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói gì?- Ảnh 1.

Ngày 21/4, Bộ Thương mại Hoa Kỳ chính thức hoàn tất mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin và tấm pin mặt trời nhập khẩu từ bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Mức thuế trung bình cho các doanh nghiệp Việt Nam là 395,9%, cá biệt có 4 doanh nghiệp đối mặt với mức thuế lên tới hơn 800%.

Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 24/4, trả lời đề nghị của phóng viên đề nghị bình luận về động thái mới nhất này của phía Hoa Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra bình luận.

Theo Báo Pháp luật TP, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam sẵn sàng trao đổi với các cơ quan của Mỹ để cùng giải quyết các vướng mắc và bảo đảm xem xét các thông tin liên quan một cách khách quan, công bằng, phù hợp với các thông lệ quốc tế và qua đó tạo thuận lợi thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương”.

Chúng tôi cam kết nỗ lực thúc đẩy các hoạt động thương mại một cách công bằng, minh bạch đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam ”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng chia sẻ.

Một mặt hàng Việt Nam bị phía Mỹ áp thuế đến 800%: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói gì?- Ảnh 2.

Cá biệt có 4 doanh nghiệp pin và tấm pin mặt trời Việt Nam đối mặt với mức thuế lên tới hơn 800% khi xuất mặt hàng này vào Mỹ. Ảnh minh hoạ.

Theo báo chí Mỹ, việc hoàn tất mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin và tấm pin mặt trời nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á là kết quả của cuộc điều tra thương mại kéo dài 1 năm, được khởi xướng từ thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo yêu cầu của các nhà sản xuất năng lượng mặt trời trong nước.

Sản phẩm của Campuchia bị áp mức thuế hơn 3.500%

Các mức thuế mới bao gồm cả thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nhằm đối phó với việc các nhà sản xuất ở Đông Nam Á bị cáo buộc được nhận trợ cấp không công bằng từ chính phủ và bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất.

Mức thuế áp dụng có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và quốc gia, trong đó mức thấp nhất thuộc về Jinko Solar từ Malaysia với 41,56%. Ngược lại, Trina Solar từ Thái Lan phải chịu mức thuế hơn 375%. Đáng chú ý, các sản phẩm từ Campuchia sẽ bị áp mức thuế cao nhất, lên đến hơn 3.500%, do các nhà sản xuất nước này đã từ chối hợp tác trong cuộc điều tra.

Các mức thuế này sẽ được cộng thêm vào hệ thống thuế quan rộng hơn mà chính quyền Tổng thống Trump đã thiết lập, vốn đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu.

Tổng giá trị thiết bị năng lượng mặt trời mà Mỹ nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á trong năm ngoái là 12,9 tỷ USD, chiếm khoảng 77% tổng lượng module nhập khẩu của nước này.

Tuy quyết định tăng thuế mang lại lợi thế cho các nhà sản xuất nội địa, nó cũng gây ra nhiều lo ngại trong ngành năng lượng sạch. Nhiều chuyên gia và tổ chức, trong đó có Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời (SEIA), cảnh báo rằng việc tăng thuế sẽ đẩy giá thiết bị năng lượng mặt trời lên cao, khiến các dự án lắp đặt gặp khó khăn và làm chậm lại đà phát triển của lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Để hoàn tất quy trình áp thuế, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu vào tháng 6 nhằm xác định liệu ngành công nghiệp nội địa có thực sự chịu tổn hại đáng kể từ việc nhập khẩu các sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá và trợ cấp hay không.

Trong bối cảnh chính quyền ông Trump đang đẩy mạnh hỗ trợ ngành nhiên liệu hóa thạch và giảm các chính sách ưu đãi cho năng lượng tái tạo, động thái tăng thuế lần này được xem là cú sốc mới cho ngành năng lượng sạch trong nước, vốn đang đối mặt với nhiều thách thức từ chính sách và biến động kinh tế.