
Tài xế Grab chở khách ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Từ 8h sáng đến 6h tối, tôi mở app nhận cuốc giao hàng, chở khách... Thu nhập bình quân mỗi ngày sau khi trừ đi các khoản chi phí gồm xăng xe, chiết khấu (từ 20%)... dao động từ 250.000 - 300.000 đồng. Với thu nhập này, tôi vừa vặn đủ trả tiền nhà trọ và nuôi con gái đi học.
Tháng nào tăng cường chạy đêm hoặc may mắn nổ cuốc nhiều thì dư dả được một ít gửi về quê cho vợ. Thời gian qua, mức độ cạnh tranh của nghề và chi phí khấu hao ngày càng tăng nên thu nhập tài xế dần giảm.
Chiếc xe máy Yamaha Sirius gần 10 năm tuổi là tài sản lớn và cũng là công cụ mưu sinh của tôi. Sau thời gian dài chinh chiến, chiếc xe đã cũ kỹ, hư trước hỏng sau, chỉ chờ có tiền để đổi.
Nhiều lần tôi muốn đổi sang một chiếc xe xăng đời mới hoặc xe điện để đi làm. Dù vậy với mức thu nhập hiện nay, việc đổi một chiếc xe máy mới là khó khăn!
Những ngày qua, trên các hội nhóm tài xế, cà phê vỉa hè... ở đâu tôi cũng nghe bàn tán sôi nổi về công cuộc chuyển đổi xanh; một đơn vị nghiên cứu ở TP.HCM đã đề xuất chuyển 400.000 xe của shipper, tài xế xe công nghệ sang xe điện. Giới tài xế như tôi ai cũng quan tâm, kèm theo là những băn khoăn, lo lắng.
Sáng nay tôi ghé vào một quán cà phê trên đường Phan Xích Long lấy đơn cho khách. Trong lúc ngồi chờ, 2-3 anh tài xế khác rôm rả kể chuyện từ năm 2026 có thể các hãng xe trên địa bàn TP.HCM chỉ ký hợp đồng mới cho tài xế xe điện.
Những tài xế chạy xe xăng đã có hợp đồng trước đó cũng phải gấp rút tính đường chuyển đổi. Họ không khỏi lo lắng về tương lai, vậy thì chính sách hỗ trợ cho chúng tôi cụ thể là gì?
Ở góc độ cá nhân, tôi hiểu chuyển đổi xe xăng sang xe điện là xu hướng tất yếu theo định hướng của nhà quản lý.
Trên thực tế, tôi xem báo đài biết nhiều nước phát triển trên thế giới họ đã làm điều này từ lâu với mục tiêu giảm phát thải, bảo đảm mỹ quan đô thị văn minh, hiện đại.
Tôi cho rằng để công cuộc chuyển đổi này thành công và nhận được sự ủng hộ từ người dân, TP.HCM cần chuẩn bị lộ trình, hạ tầng và những chính sách hỗ trợ chuyển đổi phù hợp, hấp dẫn.
Trước hết, lộ trình nên triển khai từng bước, có thể làm thí điểm trước ở một khu vực rồi mới mở rộng ra.
Cùng với đó, việc chuẩn bị hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho tài xế chuyển đổi rất quan trọng trong giai đoạn này. TP.HCM phải đưa ra những chính sách hỗ trợ trực tiếp vào "túi tiền" tài xế để họ mạnh dạn chuyển đổi xe.
Ví dụ như cho vay mua xe điện trả góp lãi suất thấp, đổi xe cũ lấy xe điện (phần tiền còn lại trả dần)... Đồng thời đưa ra mức giá xe điện tốt hơn, tạo điều kiện tài xế tiếp cận... Rồi phương án xử lý xe cũ nát, hư hỏng thế nào cũng cần tính đến.
Bên cạnh đó, tôi còn lo lắng vấn đề sạc pin, thời gian sạc, sạc an toàn... Đặc thù nghề shipper, tài xế xe công nghệ hằng ngày đi lại từ 100 - 120km. Như vậy hạ tầng trạm sạc phải được đầu tư và bố trí đầy đủ để tiện sử dụng.
Điều này đòi hỏi các đơn vị cũng nghiên cứu thêm về công suất điện, hướng dẫn sạc nhanh và sạc an toàn. Khi những chính sách nói trên hợp lý, tài xế chúng tôi sẽ an tâm tham gia chuyển đổi.
