
Các hồng y tụ họp khi Đức Hồng y Giovanni Battista Re chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho việc bầu chọn tân Giáo hoàng tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Vatican, vào ngày 7-5 - Ảnh: REUTERS
Thế giới vẫn đang chờ đợi kết quả từ một cuộc bầu cử đặc biệt tại Rome, sự kiện được tổ chức sau sự ra đi của Giáo hoàng Francis - người đã mang Vatican gần gũi hơn đến với công chúng bằng phong cách vô cùng giản dị.
Mật nghị năm 2025 cũng đặt ra thách thức cho các hồng y: lựa chọn một người kế nhiệm theo hướng bảo thủ hay tiếp tục con đường cởi mở của người tiền nhiệm?
Tuy nhiên, "chín người mười ý" - trong một mật nghị đông nhất từ trước đến nay - khiến không ít người lo ngại việc chọn ra Giáo hoàng mới có thể kéo dài hơn dự kiến.
Mật nghị lần này còn mang tính biểu trưng cao về sự đa dạng. Với hồng y đến từ 69 quốc gia, một con số kỷ lục, Vatican đang cho thấy thế giới Công giáo ngày càng toàn cầu hóa.
Thành quả này có được phần lớn nhờ nỗ lực của cố Giáo hoàng Francis khi phong chức cho các hồng y từ những vùng đất xa xôi như Rwanda, Myanmar, Papua New Guinea hay Nam Sudan.
Tuy nhiên, việc kế thừa di sản của cố Giáo hoàng Francis lại là bài toán không dễ. Một mặt, người kế nhiệm được kỳ vọng tiếp nối sự giản dị, gần gũi mà ông để lại; mặt khác, họ cũng cần tạo dựng dấu ấn riêng, đủ bản lĩnh để lèo lái giáo hội qua các thử thách trong tương lai.
"Chúng tôi không tìm kiếm người kế vị Đức Giáo hoàng Francis. Chúng tôi đang tìm người kế vị Thánh Peter" - Đức Hồng y Michael Czerny phát biểu với tạp chí Atlantic, thể hiện quan điểm rõ ràng rằng Vatican không cần một "Francis thứ hai" dù vẫn trân trọng những giá trị mà ngài để lại.
Một vị hồng y gốc Canada, cũng là một tu sĩ Dòng Tên giống Giáo hoàng Francis, thừa nhận Vatican sẽ tiếp nối tinh thần cải cách nhưng không biến nó thành "di sản kéo dài".
Cũng bởi vậy, sự chú ý không chỉ dồn vào người sẽ được chọn, mà cả vào dấu hiệu phong cách mà vị Giáo hoàng mới sẽ chọn. Liệu ngài sẽ mặc áo choàng trắng giản dị với giày tây đen như người tiền nhiệm, hay trở lại vẻ huy hoàng truyền thống với đôi hài đỏ và áo choàng mozzetta lấp lánh?
Công chúng và sự ủng hộ dành cho Giáo hoàng
Theo nhà nghiên cứu kỳ cựu Thomas Reese, người Công giáo thường có xu hướng ủng hộ vị Giáo hoàng đương nhiệm, bất kể ngài là ai.
Ông Reese, năm nay 80 tuổi, nhận định: "Các Giáo hoàng luôn bị so sánh với người tiền nhiệm. Nhưng nhìn chung tín hữu vẫn sẽ hướng lòng về vị Giáo hoàng mới".
Tuy nhiên ông cũng đặt vấn đề rằng trong thời đại mạng xã hội, sự ủng hộ này có thể sẽ phức tạp hơn do ảnh hưởng của các luồng dư luận trực tuyến.
