Hiện, đậu nành Mỹ chiếm gần 30% trong 8 triệu tấn nhập khẩu của Việt Nam năm ngoái và dự kiến còn tiếp tục tăng, thông tin từ Hội đồng Xuất khẩu Đậu nành Mỹ (USSEC) chia sẻ.
Theo USSEC, niên vụ 2023 - 2024, Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,2 triệu tấn đậu nành nguyên hạt và 5,9 triệu tấn khô đậu nành. Trong đó, 2,88 triệu tấn đến từ Mỹ.
Xuất khẩu nông sản Mỹ - Việt Nam tăng trưởng đều đặn ở mức 10% thập kỷ qua
Năm 2025 cũng là dấu mốc niệm 30 năm hợp tác đậu nành Mỹ và Việt Nam. Cần nhấn mạnh, Việt Nam là khách hàng mua đậu nành lớn thứ ba Đông Nam Á của Mỹ. USSEC dự báo nhu cầu của Việt Nam tiếp tục tăng do sự phát triển mạnh mẽ của ngành thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Nguyên nhân do người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nguồn gốc thực vật như đậu nành. Trong đó, đậu nành là nguyên liệu đầu vào cho việc chế biến thức ăn chăn nuôi. Và Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất thịt heo lớn thứ sáu và thủy sản lớn thứ tư thế giới.
"Việt Nam hiện là một trong những thị trường năng động nhất của đậu nành Mỹ", ông Timothy Loh, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương USSEC nói. Theo đó, khi được hỏi về ảnh hưởng giữa cơn bão thuế quan, đặc biệt 90 ngày hoãn thuế đối ứng sắp kết thúc, vị này cho biết nông sản thực tế không phải là mặt hàng sẽ bị đánh thuế.
Bổ sung, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (MAE) cho biết Mỹ nổi trội về nông sản ôn đới quy mô lớn như ngô, đậu tương, lúa mì. Trong khi Việt Nam mạnh về hàng nhiệt đới như cà phê, điều, cao su, trái cây.
Thống kê cho thấy, xuất khẩu nông sản song phương tăng trưởng đều đặn ở mức 10% trong vòng 10 năm vừa qua. Ông Tuấn nhấn mạnh kỳ vọng ngành nông nghiệp hai nước ngày càng kết nối, mang lại lợi ích cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Ảnh: Mỹ - Việt Nam vừa kỷ niệm 30 năm hợp tác đậu nành.
Loạt DN Việt Nam vừa ký thoả thuận nhập gần 3 tỷ USD nông sản Mỹ
Mới đây, Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận nhập gần 3 tỷ USD nông sản Mỹ. Cụ thể, ngày 6/6, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cùng phái đoàn Việt Nam làm việc 6 ngày tại Mỹ, ký loạt thỏa thuận nhập gần 3 tỷ USD nông sản, mở rộng hợp tác nông nghiệp song phương.
Tại đây, Việt Nam đã ký 8 thỏa thuận với tổng giá trị 1,1 tỷ USD, bao gồm những cam kết nhập khẩu ngô, lúa mỳ, bột đậu nành, thực phẩm chế biến và gỗ. Cùng với các biên bản ghi nhớ đã ký trước ở Iowa, Ohio và Maryland, tổng kim ngạch mua nông sản Mỹ của Việt Nam đạt gần 3 tỷ USD.
Thỏa thuận lớn nhất trị giá 380 triệu USD giữa Công ty Khai Anh Bình Thuận và Cargill. Cụ thể, Công ty Khai Anh Bình Thuận thống nhất sẽ nhập khẩu 1 triệu tấn khô đậu tương trị giá ước tính 380-390 triệu USD từ đối tác Ag Processing Inc (AGP). Doanh nghiệp này cũng đã thỏa thuận mua thêm 900.000 tấn ngô và lúa mì từ đối tác United Grain, trị giá khoảng 250 triệu USD.
CTCP Công nghệ Dinh dưỡng Việt Nhật cũng đã ký hợp đồng với Tập đoàn POET để nhập khẩu 100.000 tấn bã rượu khô (DDGS) và 100.000 tấn khô đậu tương, với tổng giá trị 60-70 triệu USD.
7 thỏa thuận còn lại liên quan đến các doanh nghiệp Việt như Thiên Bút, Niceland Foods, RYL Food, Sea2Asia, IMEX CDC, HAWA, Vitana... đối tác Mỹ là Lamex, Intervision Foods, Kember Interiors...
Hợp tác công-tư giữa hai nước còn được mở rộng trong MoU giữa Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ NN&MT) và Hiệp hội Nhà sản xuất thịt lợn bang Iowa. Theo đó, hai bên cam kết tăng cường quan hệ thương mại, khuyến khích liên kết các nhà chăn nuôi của Việt Nam và bang Iowa qua tổ chức các hội thảo kỹ thuật, sự kiện quảng bá, kết nối thương mại.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam cũng đã ký kết các thỏa thuận nhập khẩu sản phẩm đậu nành, thịt, trái cây và các loại nông sản khác từ các đối tác tại Iowa với giá trị hàng trăm triệu USD, cho thấy tín hiệu tích cực cho thương mại song phương.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin tưởng sự kiện sẽ là khởi đầu cho một giai đoạn hợp tác sâu sắc hơn, hiệu quả hơn giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và bang Iowa, thể hiện thiện chí của 2 bên cùng vun đắp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.