Làm sao để không "cháy da" giữa nắng nóng khi vui chơi kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5?

() - Thời tiết nắng nóng gay gắt được dự báo sẽ còn kéo dài trong kỳ nghỉ lễ, người dân cần biết cách để bảo vệ da khi đi vui chơi, du lịch.

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 5 ngày liên tục với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ngoài hoạt động diễu binh mừng 50 năm thống nhất đất nước thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân ở TPHCM, kỳ nghỉ dài ngày cũng là dịp để mọi người tranh thủ có những chuyến vui chơi, du lịch.

Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng gay gắt những ngày qua và dự báo sẽ còn kéo dài đến hết lễ, làn da của bạn sẽ đối mặt với nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng nếu di chuyển nhiều ngoài trời.

Làm sao để không cháy da giữa nắng nóng khi vui chơi kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5? - 1

Người dân di chuyển trên đường giữa thời tiết nắng nóng (Ảnh: Hoàng Lê).

Làm sao để bảo vệ da trong thời tiết nắng nóng kéo dài?

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Phương, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh Viện Da Liễu TPHCM, chỉ cần phơi da dưới nắng trong khoảng 15-30 phút mà không có biện pháp bảo vệ, tia UV có thể làm tổn thương lớp biểu bì, dẫn đến hiện tượng cháy nắng, bỏng rát, tăng nguy cơ lão hóa sớm, nguy cơ ung thư da.

Do đó, khi tham dự sự kiện ngoài trời hoặc di chuyển dưới nắng nóng kéo dài, người dân nên ghi nhớ một số nguyên tắc:

Thoa kem chống nắng phổ rộng với chỉ số SPF (mức đo lường khả năng chống lại tia UVB) từ 30 trở lên, bôi trước khi ra ngoài ít nhất 15 phút và thoa lại sau mỗi 2 giờ nếu còn ở ngoài trời.

Ưu tiên quần áo dài tay, vải thoáng khí, sáng màu, đội mũ rộng vành và mang kính râm chống tia UV; Dùng khăn choàng, khẩu trang vải dày, dù che nắng để hạn chế ánh nắng trực tiếp lên mặt và cổ;

Đem theo nước uống và nhớ uống đủ nước, tránh để cơ thể mất nước giữa đám đông và thời tiết oi bức.

Làm sao để không cháy da giữa nắng nóng khi vui chơi kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5? - 2

Bác sĩ Bệnh viện Da Liễu TPHCM khám da cho người dân (Ảnh: BV).

Xử trí ra sao nếu da bị cháy nắng?

Bác sĩ Phương phân tích, triệu chứng thường gặp khi da bị cháy nắng là tình trạng da đỏ, nóng rát, căng tức, rát khi chạm vào, có thể phồng rộp.

Khi gặp phải vấn đề này, người dân nên làm mát vùng da bị tổn thương bằng khăn lạnh hoặc nước mát (không dùng nước đá trực tiếp); dưỡng ẩm bằng kem dưỡng ẩm, gel nha đam, kem chứa panthenol hoặc các sản phẩm làm dịu da, tránh dùng mỹ phẩm chứa cồn, hương liệu.

Nếu da có phồng rộp, không tự ý chọc bóng nước, không bôi thuốc có corticoid nếu không có hướng dẫn từ bác sĩ.

Luôn nhớ hồi phục da bằng cách uống nhiều nước, bổ sung trái cây tươi, đặc biệt là loại chứa nhiều vitamin C. Nếu có biểu hiện sốt, chóng mặt, buồn nôn, da phồng rộp diện rộng, cần đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ điều trị.

Đặc biệt lưu ý, với trẻ em và người cao tuổi, da nhạy cảm hơn nên cần được bảo vệ kỹ lưỡng hơn nữa trong thời tiết nắng nóng.

Làm sao để không cháy da giữa nắng nóng khi vui chơi kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5? - 3

Bổ sung trái cây tươi chứa nhiều vitamin C là một trong những cách giúp hồi phục da (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Bác sĩ Nguyễn Duy Quân, Bệnh viện Da liễu TPHCM, chia sẻ thêm, hiện nay có tình trạng nhiều người xài kem chống nắng nhưng vẫn bị nám, cháy nắng vì dùng sai cách.

Bác sĩ hướng dẫn, ngoài chọn kem có SPF từ 30 và PA+++ (khả năng chống tia UVA tốt lên đến 90%) trở lên, người dân cần bôi đủ lượng (1 đốt ngón tay cho mặt, 2,5 đốt ngón tay cho mặt và cổ, 2 ngón tay cho tất cả vùng da tiếp xúc với ánh sáng), thoa lặp lại sau mỗi 2-3 tiếng, nhất là khi ra mồ hôi nhiều.