Kỹ sư hé lộ môi trường làm việc khắc nghiệt tại OpenAI: Làm việc 15 tiếng/ngày, tin nhắn nội bộ 'nổ' liên tục bất kể ngày đêm

Chàng kỹ sư đã trải nghiệm một năm làm việc với “tốc độ phi thường, văn hóa tột đỉnh, nhưng cũng mệt mỏi đến kiệt sức”.

Calvin French-Owen không phải một kỹ sư bình thường. Anh là đồng sáng lập Segment – một startup từng được bán lại cho Twilio với giá 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, thay vì nghỉ ngơi sau thương vụ thành công, Calvin quyết định gia nhập OpenAI – công ty nổi tiếng với ChatGPT – vào tháng 5 năm 2024. Ở thời điểm đó, OpenAI là một cỗ máy tăng trưởng bùng nổ, đang bước vào thời kỳ mở rộng chưa từng thấy cả về quy mô lẫn ảnh hưởng toàn cầu. Chính tại đây, Calvin French-Owen đã trải nghiệm một năm làm việc được miêu tả bằng cụm từ: “tốc độ phi thường, văn hóa tột đỉnh, nhưng cũng mệt mỏi đến kiệt sức”.

Vừa bước chân vào OpenAI, Calvin đã sớm trở thành “nhân sự kỳ cựu” dù mới chỉ làm việc vài tháng. Tốc độ tuyển dụng của công ty nhanh đến mức sau một năm, số lượng nhân viên đã tăng gấp ba – từ khoảng 1.000 người lên hơn 3.000. Sự luân chuyển nhân sự diễn ra liên tục, đến mức nhiều người không thể nhớ hết tên đồng nghiệp.

Một trong những điều khiến Calvin ấn tượng mạnh khi làm việc tại OpenAI là cách công ty tổ chức giao tiếp nội bộ. Trong suốt thời gian làm việc, anh chỉ nhận được khoảng… 10 email. Hầu hết chỉ đạo kỹ thuật, chia sẻ dự án, đến phản hồi lãnh đạo đều diễn ra qua Slack. Điều này tạo ra nhịp điệu làm việc gần như không nghỉ, khi thông báo, tin nhắn và phản hồi chồng chất liên tục, không kể ngày đêm. Nếu không biết cách tự quản lý, nhân viên có thể chìm ngập trong hàng trăm dòng thông tin mỗi ngày.

Điều khiến Calvin nhớ nhất chính là tốc độ và áp lực triển khai dự án. Một trong những sản phẩm nổi bật mà anh tham gia là Codex – mô hình AI hỗ trợ viết mã, tiền thân của các công cụ như GitHub Copilot. Dự án này hoàn thiện chỉ trong vòng bảy tuần, với một nhóm chưa đầy 20 người.

Trong giai đoạn nước rút, Calvin bắt đầu ngày làm việc từ 7 giờ sáng, trở về nhà sau nửa đêm và tiếp tục cống hiến cả cuối tuần. Anh vẫn cố gắng dành thời gian chăm con, nhưng lịch trình như vậy gần như không thể duy trì lâu dài. Có thời điểm, cả nhóm làm việc đến mức cạn kiệt năng lượng.

Kỹ sư hé lộ môi trường làm việc khắc nghiệt tại OpenAI: Làm việc 15 tiếng/ngày, tin nhắn nội bộ 'nổ' liên tục bất kể ngày đêm- Ảnh 1.

Với Calvin, đây là quãng thời gian làm việc vất vả nhất trong gần một thập kỷ. Anh hầu hết làm tới 22 giờ hoặc quá nửa đêm, thức dậy lúc 5h30 để chăm con, đến văn phòng lúc 7h và làm việc cả ngày cuối tuần. Tất cả nhóm gồm 8 kỹ sư, 4 nhà nghiên cứu, hai nhà thiết kế, hai giám sát code và một quản lý dự án cũng tất bật chạy chương trình, viết và tinh chỉnh code…

“Tôi chưa từng thấy bất kỳ tổ chức lớn nhỏ nào đạt tốc độ từ lúc chuyển ý tưởng thành sản phẩm hoàn chỉnh trong một khoảng thời gian ngắn như vậy”, anh nói.

Tuy nhiên, chính sự thần tốc ấy lại khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính bền vững. Khi tất cả đều được thúc đẩy bởi tham vọng to lớn – xây dựng trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI), thay đổi cách thế giới hoạt động, phổ cập AI cho hàng tỷ người – thì những yếu tố như sức khỏe tinh thần, thời gian cá nhân hay cân bằng công việc - cuộc sống dễ dàng bị xem nhẹ. Calvin thừa nhận, anh tự hào khi thấy sản phẩm mình góp phần xây dựng có ảnh hưởng đến hàng triệu người, nhưng đồng thời, vì quá kiệt sức, anh quyết định nghỉ việc.

Một chi tiết đáng chú ý là mức độ kiểm soát thông tin chặt chẽ tại OpenAI. Nhiều nhân viên không hề biết các bộ phận khác đang làm gì. Những dữ liệu quan trọng như tài chính, kế hoạch thương mại, thậm chí các thông báo nhân sự cấp cao đều được giữ kín. Một số nhóm làm việc gần như trong “vùng tối”, chỉ tiếp xúc với phần công việc được giao, mà không được biết toàn cảnh dự án. Điều này giúp đảm bảo tính bảo mật – điều cần thiết trong ngành công nghệ cao.

Kỹ sư hé lộ môi trường làm việc khắc nghiệt tại OpenAI: Làm việc 15 tiếng/ngày, tin nhắn nội bộ 'nổ' liên tục bất kể ngày đêm- Ảnh 2.

Câu chuyện của Calvin đặt ra một câu hỏi quan trọng cho thế giới công nghệ: liệu mô hình làm việc dựa trên tốc độ cao, kỳ vọng lớn và cường độ tối đa có thể duy trì lâu dài hay không? Trong ngắn hạn, nó tạo ra sự bứt phá ngoạn mục – như cách ChatGPT, DALL·E hay Sora ra đời chỉ sau vài tháng. Nhưng về dài hạn, nếu không kiểm soát được nhịp độ và chăm sóc con người, chính những tài năng tạo ra đột phá ấy sẽ là người đầu tiên bị bào mòn.

OpenAI vẫn là công ty dẫn đầu toàn cầu về trí tuệ nhân tạo, sở hữu những bộ óc xuất sắc nhất thế giới. Nhưng đằng sau những màn trình diễn ngoạn mục trên sân khấu AI, là những ngày đêm không ngủ, những dòng Slack chạy không ngừng nghỉ và những kỹ sư như Calvin – người đến với lòng nhiệt huyết, nhưng rời đi trong sự lặng lẽ của kiệt sức. Đây chính là lời cảnh báo cho toàn ngành: phát triển công nghệ vượt bậc là điều đáng trân trọng, nhưng phát triển một cách nhân văn mới thực sự vững bền.

Theo: Business Insider, Economic Times