Mỹ sắp khan hàng Trung Quốc
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt nhà máy tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa, chuỗi cung ứng toàn cầu đột ngột gián đoạn. Chỉ sau vài tuần, các kệ hàng tại Mỹ bắt đầu hết hàng trống trơn, các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào nguyên liệu thô nước ngoài lần lượt phá sản.
Giờ đây, một xu hướng tương tự đang lặp lại nhưng lần này nguyên nhân là quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên mức 145%.
Chính sách này khiến hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như tê liệt. Lưu lượng tàu chở hàng giữa các cảng Trung Quốc và Mỹ sụt giảm nghiêm trọng, và lượng hàng hóa Trung Quốc cập cảng Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục lao dốc trong những tuần tới.
Mặc dù mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc đã bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 4, thị trường Mỹ vẫn chưa ghi nhận nhiều biến động rõ rệt về nguồn cung và giá cả. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã bắt đầu tăng giá, báo hiệu những tác động đầu tiên của chính sách thuế mới.
Theo các chuyên gia, đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Tác động thực sự sẽ dần bộc lộ trong những tuần tới khi chuỗi phản ứng dây chuyền – từ việc các nhà máy Trung Quốc nhận ít đơn hàng hơn, đến việc cắt giảm sản lượng, gián đoạn xuất khẩu – lan rộng toàn cầu và cuối cùng ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường Mỹ.
Trong tháng 4, số lượng tàu container cỡ lớn chở hàng từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm khoảng 1/3 so với trước, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng như đồ chơi và đồ nội thất.

Cần cẩu được sử dụng để dỡ hàng tại Cảng Los Angeles vào tháng 4. Ảnh: NYT
Người tiêu dùng Mỹ hiện vẫn chưa cảm nhận rõ tác động của mức thuế mới, một phần vì thời gian vận chuyển kéo dài. Các tàu container từ Trung Quốc thường mất từ 20 đến 40 ngày để vượt Thái Bình Dương và cập cảng Mỹ. Sau đó, hàng hóa sẽ mất từ 1 đến 10 ngày để vận chuyển từ cảng biển đến các khu vực khác của Mỹ bằng đường sắt hoặc đường bộ.
Điều đó đồng nghĩa với việc mức thuế quan cao có hiệu lực từ đầu tháng 4 hiện mới chỉ bắt đầu ảnh hưởng đến lượng tàu hàng cập cảng Mỹ — và xu hướng sụt giảm này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Người tiêu dùng Mỹ có thể bắt đầu chứng kiến tình trạng kệ hàng trống xuất hiện vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, khi nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc giảm mạnh. Các nhà bán lẻ và doanh nghiệp hậu cần cũng đối mặt với nguy cơ sa thải nhân viên do hàng hóa khan hiếm và chi phí tăng cao.
Nhà kinh tế Thorsten Slok cảnh báo, những tác động nghiêm trọng từ việc gián đoạn giao thương với Trung Quốc sẽ bộc lộ rõ rệt vào mùa hè năm 2025. Khi đó, nền kinh tế Mỹ có thể bước vào suy thoái nếu xu hướng hiện tại tiếp tục kéo dài.
"Người tiêu dùng Mỹ sẽ chứng kiến tình trạng thiếu hụt quần áo, đồ chơi, đồ kim khí và thuốc men tại các hiệu thuốc bán lẻ chỉ trong vài tuần tới, trong khi giá của những mặt hàng còn lại trên kệ sẽ tăng lên", ông Thorsten Slok nhận định.
"Giống như chúng ta đang tăng tốc lao về phía một bức tường gạch, và người lái xe không hề nhận ra điều đó. Khi anh ta nhận ra thì đã quá muộn để phanh lại", Molson Hart, Giám đốc điều hành công ty đồ chơi Viahart, viết trên mạng xã hội X.
Nhiều công ty Mỹ có nguy cơ phá sản
Xu hướng giảm nhập khẩu từ Trung Quốc càng trở nên nghiêm trọng từ 2/5, khi Mỹ quyết định hủy bỏ chính sách miễn thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc có giá trị dưới 800 USD.
Chính sách này trước đây cho phép các mặt hàng giá trị thấp được miễn thuế khi trực tiếp đến tay người tiêu dùng, giúp thúc đẩy các công ty như Temu và Shein phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, nó cũng dẫn đến sự gia tăng số lượng bưu kiện cá nhân gửi từ Trung Quốc sang Mỹ, nhiều trong số đó được vận chuyển bằng đường hàng không.
Những người ủng hộ việc thay đổi chính sách cho rằng lỗ hổng thuế quan trước đây đã tạo ra lợi thế không công bằng cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, đồng thời gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên, việc hủy bỏ chính sách miễn thuế này đã khiến giá cả tăng cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ. Thay đổi này dự kiến sẽ tạo ra áp lực lớn lên các hãng hàng không và các công ty vận tải tư nhân như FedEx, vốn đã xây dựng mô hình kinh doanh ổn định nhờ vào việc vận chuyển các kiện hàng nhỏ.
Công nhân cảng và các công ty hậu cần từ lâu đã dự đoán được tác động này đối với ngành. Cảng Los Angeles, là cửa ngõ chính để hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, đã chứng kiến lượng hàng nhập khẩu tăng đột biến trong những tháng gần đây khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng cố gắng tích trữ hàng hóa trước khi thuế quan có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện nay, làn sóng nhập khẩu này đã bắt đầu giảm dần.
Dữ liệu từ cảng cho thấy số lượng container cập cảng Los Angeles dự kiến sẽ giảm hơn 35% vào tuần tới so với cùng kỳ năm ngoái. Giám đốc điều hành cảng Gene Seroka cho biết, 1/4 số tàu dự kiến cập cảng vào tháng 5 đã phải hủy chuyến do không đủ sức chứa.
Theo ông Seroka, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu trở nên "rất hiếm" khoảng hai tuần trước. Dữ liệu cũng cho thấy doanh số bán xe tải hạng nặng giảm mạnh, điều này phản ánh sự dự đoán của các công ty hậu cần rằng khối lượng hàng hóa sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Các chuyên gia thương mại cho rằng, nhờ các công ty đã tích trữ lượng hàng tồn kho lớn trong những tháng gần đây, nếu Nhà Trắng có thể giảm đáng kể thuế quan đối với Trung Quốc càng sớm càng tốt, nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ có thể tránh được tác động tồi tệ nhất.
Dữ liệu từ Viện Quản lý Cung ứng Quốc gia Mỹ cho thấy lượng hàng tồn kho hiện tại của nước này đã đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua.
Gabriel Wildau, Giám đốc điều hành của Teneo, công ty tư vấn cho các doanh nghiệp giao dịch với Trung Quốc, cho biết lượng hàng hóa Trung Quốc mà các nhà bán lẻ Mỹ tích trữ trong ba tháng đầu năm nay sẽ tạo ra khoảng thời gian đệm giúp trì hoãn việc tăng giá.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng nếu tình hình không thay đổi nhanh chóng, người tiêu dùng Mỹ sẽ bắt đầu cảm nhận được tác động của những thay đổi trong thương mại trong ba đến sáu tháng tới.
"Chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng giá cả tăng cao và thậm chí là thiếu hụt một số hàng hóa nhất định", ông cảnh báo.
Hiện nay, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu, không đủ khả năng dự trữ, đang đối mặt với nguy cơ phá sản nhanh chóng.
Theo The New York Times