JPMorgan nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sau thỏa thuận tích cực với Mỹ

JPMorgan vừa bày tỏ lạc quan hơn về kinh tế Trung Quốc trong năm nay khi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc được đánh giá tích cực.

Ngân hàng JP Morgan vừa dự báo, GDP Trung Quốc năm nay tăng 4,8%, cao hơn so với dự báo trước đó là 4,1%. Động thái này được đưa ra sau khi Mỹ - Trung Quốc công bố thỏa thuận thương mại sau vòng đàm phán cấp cao đầu tiên tại Geneva (Thụy Sĩ) cuối tuần trước.

Đáng chú ý, JPMorgan nhận định đây là thỏa thuận "tích cực một cách đáng ngạc nhiên", với "quy mô giảm thuế tạm thời lớn hơn dự kiến", giúp căng thẳng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hạ nhiệt. 

Theo đó, trong 90 ngày tới, thuế nhập khẩu Mỹ áp lên hàng Trung Quốc sẽ giảm từ 145% xuống 30%. Chiều ngược lại, hàng Mỹ vào Trung Quốc được giảm thuế từ 125% về 10%. Cac rào cản phi thuế quan cũng sẽ được gỡ bỏ.

JPMorgan cũng ước tính nếu mức thuế mới được duy trì đến hết năm nay, Trung Quốc có thể tăng trưởng 4,8%. Năm 2025, nước này đặt mục tiêu tăng trưởng quanh 5%. Cuối tháng trước, Zhao Chenxin - Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết ông "hoàn toàn tự tin" sẽ đạt mục tiêu này.

Vài tháng qua, Trung Quốc tích cực tung chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Mới đây nhất, giới chức ngày 7/5 thông báo hạ lãi suất tham chiếu, giảm lãi vay mua nhà, soạn chính sách nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán và doanh nghiệp chịu tác động từ thuế nhập khẩu. "Chúng tôi kỳ vọng chính phủ Trung Quốc công bố thêm chính sách hỗ trợ tài khóa trong năm nay", JPMorgan cho biết.

Vào ngày 9/5 vừa qua, các quan chức tại cảng biển Mỹ thông tin với CNN rằng, không có một tàu chở hàng nào khởi hành từ Trung Quốc cập cảng tại hai điểm trung chuyển lớn ở Bờ Tây trong vòng 12 giờ liên tiếp – điều chưa từng xảy ra kể từ thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19.

Trước khi căng thẳng Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt, giới phân tích đều chung nhận định cuộc chiến thương mại sẽ tác động đáng kể tới tăng trưởng của Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Goldman Sachs và UBS gần đây đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 2025 và 2026, với lý do tác động từ thuế nhập khẩu của Mỹ. Mức dự báo dao động trong khoảng 3,4-4% cho năm nay.

JPMorgan nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sau thỏa thuận tích cực với Mỹ- Ảnh 1.

Theo IMF, Trung Quốc sẽ là nước đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới.

Trong nửa đầu tháng 4/2025, một loạt tổ chức dự báo đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Trong đó, ngân hàng UBS dự báo nước này chỉ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 3,4% do tác động tiêu cực của thuế quan, thấp hơn nhiều so với mục tiêu "khoảng 5%" mà Bắc Kinh đề ra. IMF dự báo trong năm 2025 và 2026, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 4%, thấp hơn tương ứng 0,6 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm so với lần dự báo hồi tháng 1/2025. Tuy nhiên, theo tính toán của hãng tin Bloomberg dựa trên báo cáo của IMF, Trung Quốc sẽ là nước đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới, với tỷ trọng 23%, từ mức dự báo 21,7% đưa ra hồi tháng 10/2024. 

Hiện Trung Quốc tiếp tục đối mặt áp lực giảm phát giữa bối cảnh giá tiêu dùng lẫn giá sản xuất suy giảm. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 10/5 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) -- thước đo lạm phát chính - vào tháng 4 giảm 0,1% so với cùng kỳ 2024, gần sát với mức dự báo giảm 0,09% được đưa ra trong cuộc khảo sát của Bloomberg. Trong quý I/2025, chỉ số này đã hạ 0,1%. "Trung Quốc vẫn đang đối diện với áp lực giảm phát kéo dài. Áp lực này có thể gia tăng trong những tháng tới khi xuất khẩu có khả năng suy yếu", Zhiwei Zhang, Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định.

Triển vọng khi căng thẳng thuế quan với kinh tế Mỹ hạ nhiệt

Sau đàm phán tạm cho là thành công, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vừa tái khẳng định rằng Washington không có ý định “tách rời” khỏi nền kinh tế Trung Quốc, mà thay vào đó mong muốn thiết lập một mối quan hệ thương mại cân bằng và bền vững hơn. “Cả hai phái đoàn đều đồng thuận rằng không bên nào muốn bị tách rời. Những gì đã xảy ra với mức thuế quan rất cao hiện nay chẳng khác nào một lệnh cấm vận, và không bên nào mong muốn điều đó. Chúng tôi muốn thương mại. Chúng tôi muốn một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn”, ông Bessent nhấn mạnh.

Về phía Trung Quốc, nước này hoan nghênh thỏa thuận thương mại với Mỹ, gọi đây là "bước đi quan trọng" có thể dẫn đến "sự hợp tác sâu sắc hơn" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. "Mức thuế quan cao do Mỹ áp đặt đã làm suy yếu nghiêm trọng các hoạt động trao đổi kinh tế và thương mại song phương thông thường và làm suy yếu nghiêm trọng trật tự kinh tế và thương mại quốc tế", người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

"Tuyên bố chung đạt được tại các cuộc đàm phán là bước đi quan trọng của hai bên nhằm giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn trên cơ sở bình đẳng, đồng thời đặt nền tảng và tạo điều kiện để thu hẹp hơn nữa những khác biệt và tăng cường hợp tác", nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh thêm. Đồng thời, người phát ngôn của bộ này cũng cho biết Mỹ và Trung Quốc "sẽ thiết lập một cơ chế để tiếp tục tham vấn về quan hệ kinh tế và thương mại", sẽ diễn ra trong thời gian tạm dừng 90 ngày - đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thị trường tài chính toàn cầu đã phản ứng tích cực sau khi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được công bố. Chỉ số S&P 500 tăng 2,3%, Nasdaq tăng 3%, đồng USD tăng hơn 1% so với rổ các đồng tiền chính, giá vàng giảm hơn 2% do nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn suy giảm, phản ánh tâm lý tích cực của nhà đầu tư.

Tại châu Âu, chỉ số STOXX 600 tăng 0,9%, với nhiều công ty lớn như Adidas và Puma ghi nhận mức tăng đáng kể. Các công ty logistics hàng đầu như Maersk và Hapag-Lloyd cũng hưởng lợi khi giá cổ phiếu tăng mạnh sau thông tin về thỏa thuận này. Đà tăng không chỉ giới hạn ở các công ty Mỹ mà còn lan rộng sang các thị trường quốc tế, cho thấy tác động tích cực toàn cầu của thỏa thuận.

Đặc biệt, thỏa thuận giảm thuế tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc đã mang lại hy vọng cho các ngành công nghiệp chịu tác động nặng nề từ căng thẳng thương mại, bao gồm sản xuất đồ chơi, dệt may và công nghệ. Các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này kỳ vọng doanh số sẽ phục hồi khi chi phí nhập khẩu giảm. Theo lời của ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, "Đây là một bước tiến tích cực cho cả hai nền kinh tế và nền kinh tế toàn cầu, giảm bớt lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng".

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đối thoại giữa hai nước cần được duy trì. "Thỏa thuận này là một bước khởi đầu, nhưng không phải là giải pháp cuối cùng cho các vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc" - theo Brad Setser, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ. Ông nhấn mạnh các vấn đề về sở hữu trí tuệ, bảo mật chuỗi cung ứng và quyền tiếp cận thị trường vẫn là những trở ngại lớn./.