Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 32 người mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có 18 người đã ra viện, 14 người tiếp tục điều trị.
Đáng chú ý, trong số 18 người đã ra viện, có 4 trường hợp do bệnh nặng nên gia đình xin đưa về.

Ngành y tế thành phố Huế xử lý môi trường tại nhà dân có người mắc liên cầu lợn (Cơ quan chức năng cung cấp).
Trong số 14 ca bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế, có một trường hợp nam điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê, tiên lượng xấu.
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, những ca mắc liên cầu lợn diễn tiến nặng thường có biểu hiện như viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, thậm chí suy đa cơ quan.
Theo các chuyên gia y tế, liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm, chủ yếu qua tiếp xúc với lợn bệnh hoặc ăn thịt, tiết canh... chưa nấu chín. Bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa hè, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng.
Bệnh liên cầu lợn ở người có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng đa dạng, thường gặp nhất là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Các triệu chứng có thể bao gồm sốt cao, đau đầu, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, và xuất huyết dưới da. Trường hợp nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm độc, suy đa tạng và tử vong.
Trước thực trạng bệnh liên cầu lợn diễn biến phức tạp, ngành y tế thành phố Huế khuyến cáo, cần tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp bị bệnh nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, nên đưa ngay đến bệnh viện để tổ chức cứu chữa kịp thời. Đặc biệt chú ý giám sát những đối tượng có tiếp xúc gần với lợn bị bệnh như người chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn.
Người dân không nên giết mổ, vận chuyển lợn bệnh. Lợn ốm, chết phải chôn, đổ thuốc sát khuẩn và tiêu huỷ. Chuồng trại và môi trường chăn nuôi phải phun thuốc sát khuẩn, khử khuẩn, để trống chuồng 2 tuần mới nuôi lợn trở lại.
Sở Y tế thành phố Huế đề nghị tuyên truyền rộng rãi cho người dân về bệnh liên cầu lợn để chủ động phòng chống, tập trung vào nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao.
Người dân chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch, không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết; không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ, tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết, cần sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt và rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi thực hiện những việc này.
Người có vết thương hở hoặc có các vùng da bị tổn thương không nên giết mổ, chế biến thịt lợn tươi sống.