Hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cùng "leo thang" tại TPHCM

() - Trong 5 tháng đầu năm 2025, TPHCM đã ghi nhận hơn 6.700 ca tay chân miệng và gần 7.700 ca sốt xuất huyết, cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) ghi nhận sự gia tăng đáng lo ngại của hai bệnh truyền nhiễm phổ biến là tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Theo số liệu từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, TPHCM ghi nhận 6.711 ca tay chân miệng, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái (4.510 ca). Trong đó, số ca điều trị nội trú là 967 ca, tăng 15% so với năm 2024.

Hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cùng leo thang tại TPHCM - 1

Số ca mắc bệnh tay chân miệng theo tuần tại năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024 tại TPHCM (Ảnh: HCDC)

Tình hình dịch được đánh giá là phức tạp dù chưa có ca tử vong. Từ tuần thứ 8, số ca mắc tăng mạnh và đạt đỉnh trong tuần 20 với 916 ca - cao hơn 40% so với trung bình 4 tuần trước.

Số ca tay chân miệng ghi nhận nhiều ở 8 quận, huyện, gồm quận 1, 5, 7, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Tân Bình và TP Thủ Đức.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra, bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn.

Bệnh lây qua đường tiêu hóa, thường qua tay của trẻ hoặc người chăm sóc, đồ chơi và vật dụng nhiễm virus từ phân, nước bọt hay dịch tiết hô hấp của trẻ bệnh.

Song song đó, dịch sốt xuất huyết cũng đang trở lại theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hàng năm.

Tính đến ngày 18/5, thành phố đã ghi nhận 7.690 ca mắc, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái (3.287 ca). Trong số này, có 112 ca nặng, chiếm khoảng 1,5%.

Hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cùng leo thang tại TPHCM - 2

Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết theo tuần tại năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024 tại TPHCM (Ảnh: HCDC)

Đáng lưu ý, nhóm trên 15 tuổi mắc bệnh nhiều gấp 1,5 lần nhóm dưới 15 tuổi - xu hướng ngược lại so với giai đoạn trước.

HCDC dự báo số ca mắc sẽ còn tăng mạnh khi mùa mưa đang tới gần, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn - vật trung gian truyền bệnh - sinh sôi nhanh chóng.

HCDC kêu gọi toàn dân chủ động phòng sốt xuất huyết bằng các biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả như đậy kín các vật chứa nước, chà rửa vật chứa ít nhất 1 lần/tuần, loại bỏ phế liệu đọng nước, ngủ mùng, dùng kem xua muỗi hoặc phun hóa chất khi cần thiết.

Người dân khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn mắc sốt xuất huyết không tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà và cần phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng.

Ngoài ra, mọi người có thể phản ánh những điểm nghi ngờ phát sinh muỗi qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" để được xử lý kịp thời.