Công ty toàn cầu tìm thấy "nhà mới" ngoài Trung Quốc giữa bão thuế quan: “Ngày tận thế” với nhà bán lẻ?

"Chiếc bánh đó đã nướng xong", Bill Ackman - CEO của Pershing Square Capital Management - ám chỉ đến quyết định không thể đảo ngược được các công ty đưa ra để rời khỏi Trung Quốc.

Trang tin tài chính Benzinga (Mỹ) ngày 7/5 đưa tin, sự căng thẳng kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc vừa đạt đến đỉnh điểm. Tháng trước, Washington đã áp thuế 145% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, và Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125% đối với hàng hóa của Mỹ.

Tỷ phú Bill Ackman - Tổng giám đốc điều hành của công ty quản lý quỹ đầu cơ Pershing Square Capital Management (Mỹ) - đã cảnh báo rằng căng thẳng thương mại kéo dài đang thúc đẩy các công ty toàn cầu chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc một cách vĩnh viễn.

"Chiếc bánh đó đã nướng xong", ông viết vào ngày 26/4 trên mạng xã hội X, ám chỉ đến những quyết định không thể đảo ngược được các công ty đưa ra để rời khỏi Trung Quốc.

Công ty toàn cầu tìm thấy "nhà mới" ngoài Trung Quốc giữa bão thuế quan: “Ngày tận thế” với nhà bán lẻ?- Ảnh 1.

Gene Seroka - Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles - ước tính lượng container đến từ Trung Quốc sẽ giảm 35% vào mùa xuân năm nay so với số lượng năm 2024. Ảnh: The Business Journal

Thuế quan chồng chất và vận chuyển hàng chậm lại

Các mức thuế quan trả đũa đã được nêu chi tiết trong báo cáo tổng quan tháng 4 của China Briefing - một ấn phẩm của công ty tư vấn Dezan Shira & Associates có trụ sở tại châu Á, nêu bật gánh nặng chi phí ngày càng tăng đối với các doanh nghiệp ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành sắc lệnh hành pháp thông báo tạm hoãn áp thuế đối ứng với các quốc gia trong vòng 90 ngày vào ngày 9/4, lệnh miễn trừ này không bao gồm Trung Quốc.

Chuyên gia Ackman chia sẻ trong cùng một bài đăng trên X rằng "thuế quan gây tổn hại rất lớn trong ngắn hạn đối với các công ty phụ thuộc vào Trung Quốc về phần lớn hàng hóa của họ". Ông cũng ủng hộ việc cả hai nước hạ thuế quan xuống 10% – 20%.

Gene Seroka - Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles - nói với kênh CNBC (Mỹ) rằng khối lượng giao dịch thương mại cũng có thể suy giảm. Ông ước tính lượng container đến từ Trung Quốc sẽ giảm 35% vào mùa xuân năm nay so với số lượng năm 2024.

Chuỗi cung ứng toàn cầu tìm thấy “nhà mới”

Khi các công ty cố gắng giảm thiểu rủi ro, chuyên gia Ackman lập luận rằng thuế quan càng kéo dài thì "mọi công ty có chuỗi cung ứng đặt tại Trung Quốc sẽ di dời càng nhanh". Ông chỉ ra Ấn Độ, Việt Nam, Mexico và Mỹ là những trung tâm sản xuất mới cho cả các công ty Mỹ và doanh nghiệp bên ngoài nước Mỹ.

Dữ liệu từ nhóm nghiên cứu Rhodium Group (Mỹ) cho thấy sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đông Nam Á và Mexico. Trớ trêu thay, các công ty Trung Quốc đang thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng này, mở rộng hoạt động của họ tại nước ngoài khi các công ty phương Tây rút lui.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi vẫn chưa diễn ra suôn sẻ. Một phân tích của đơn vị cung cấp thông tin thị trường FreightWaves (Mỹ) hồi tháng 3 cho thấy các rào cản văn hóa, rào cản về năng suất và quy định về lao động đã khiến việc mở rộng quy mô hoạt động ở một số nước châu Á trở nên khó khăn. Tại Mexico, các nhà sản xuất đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, làm phức tạp thêm các kế hoạch di dời.

Công ty toàn cầu tìm thấy "nhà mới" ngoài Trung Quốc giữa bão thuế quan: “Ngày tận thế” với nhà bán lẻ?- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia Sun Chanthol (thứ sáu từ phải sang)  chủ trì lễ khởi công xây dựng cơ sở của hãng xe điện BYD (Trung Quốc) tại Đặc khu Kinh tế Sihanoukville ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia vào ngày 28/4/2025. Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Uông Văn Bân (thứ sáu từ trái sang) và các quan chức có liên quan khác đã có mặt tại sự kiện này. Ảnh: CDC

Thuế quan ảnh hưởng tới bán lẻ

Các nhà bán lẻ phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc là một trong những bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Rick Woldenberg - Giám đốc điều hành của nhà sản xuất đồ chơi giáo dục Learning Resources (Mỹ) cho biết rằng hóa đơn thuế quan của công ty ông có thể tăng vọt từ 2,3 triệu USD lên hơn 100 triệu USD trong năm nay. Ông cho biết việc tăng thuế quan giống như "ngày tận thế".

Theo Benzinga