Chính quyền Trump 2.0: ‘Đảo chiều’ Trump 1.0, tái định hình nước Mỹ

Ngày 20/7/2025, đánh dấu tròn 6 tháng ông Donald Trump chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ hai.

Tổng thống Donald Trump bước ra từ chuyên cơ Không lực Một, ngày 25/7/2025. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Donald Trump bước ra từ chuyên cơ Không lực Một, ngày 25/7/2025. (Ảnh: AFP)

Sau khi trở lại Nhà Trắng trong vai trò Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ từ ngày 20/1/2025, ông Donald Trump dường như đang thực hiện những chính sách khác biệt đáng kể so với chính ông trong nhiệm kỳ đầu. Dù vẫn giữ phong cách mạnh mẽ và gây tranh cãi, Trump nhiệm kỳ hai, hay còn được gọi là "Trump 2.0" được nhìn nhận là đang đi theo hướng vừa kế thừa vừa phủ định chính mình, với nhiều xáo trộn không chỉ trong nội bộ nước Mỹ mà còn với cả cộng đồng quốc tế.

"Đảo ngược" chính mình?

Một trong những biểu hiện rõ nhất của sự thay đổi này là thái độ đối với các nhân sự cấp cao mà chính ông Trump từng bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu. Điển hình là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), ông Jerome Powell. Dù từng được ông Trump đề cử vào vị trí quan trọng này năm 2017, nhưng nay ông Powell lại trở thành mục tiêu sa thải của Trump 2.0. Trên CNBC, một quan chức cấp cao tại Nhà Trắng tiết lộ: "Tổng thống đã hỏi các nghị sĩ cảm thấy thế nào về việc sa thải Chủ tịch FED. Họ tỏ ra đồng tình. Rồi Tổng thống ám chỉ ông ấy có thể sẽ sớm hành động". New York Times trích nguồn tin thân cận cho biết ông Trump thậm chí đã soạn thảo sẵn lá thư sa thải Powell và cho các nghị sĩ xem trong buổi họp đó.

Chính quyền Trump 2.0: ‘Đảo chiều’ Trump 1.0, tái định hình nước Mỹ- Ảnh 2.

Chủ tịch FED Powell trao đổi với Tổng thống Trump tại công trường, ngày 24/7/2025. (Ảnh: AFP)

Trong một động thái mới nhất, Tổng thống Mỹ phủ nhận thông tin sắp sa thải Chủ tịch FED Jerome Powell, nhưng bày tỏ mong muốn ông Powell rời chức vụ này. Trong cuộc phỏng vấn với Real America's Voice phát sóng ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập đến Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Powell. "Tôi sẽ rất hoan nghênh nếu ông ta từ chức. Việc đó tùy thuộc vào ông ta thôi. Họ nói rằng tôi mà làm vậy, thị trường sẽ bị xáo trộn", ông giải thích.

Một trường hợp khác là Giám đốc FBI Christopher Wray - người đã chủ động rời chức vụ trước khi có thể bị sa thải. Còn Thẩm phán Tối cao Amy Coney Barrett, một nhân vật được ông Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu, giờ cũng không còn nằm trong vòng tín nhiệm của ông. Theo các nguồn tin nội bộ được CNN dẫn lại, ông Trump tỏ ra thất vọng với những phán quyết không như kỳ vọng từ phía Barrett.

Những quyết định thương mại then chốt

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump từng coi Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) là một thành tựu đối ngoại nổi bật, thay thế NAFTA và được xem như một chiến thắng chính trị. Nhưng giờ đây, ông lại đe dọa áp thuế cao với chính Canada và Mexico - những đối tác trong hiệp định đó.

Các chuyên gia của CNN Business chỉ ra rằng, chiến lược thương mại hiện tại không tuân theo một logic kinh tế rõ ràng. "Bạn không thể vừa đàm phán thỏa thuận thương mại vừa dọa áp thuế lên đối tác", một nhà phân tích nhận định. 

Chính quyền Trump 2.0: ‘Đảo chiều’ Trump 1.0, tái định hình nước Mỹ- Ảnh 3.

Một trong những thay đổi nổi bật của chính quyền Trump 2.0 là chính sách thuế quan gây tranh cãi. (Ảnh: AP)

Khi thời hạn ngày 1/8 đang đến gần, Tổng thống Donald Trump chỉ còn một tuần để đưa ra ba quyết định quan trọng về thuế quan và thương mại - những lựa chọn có thể tác động sâu rộng đến nền kinh tế Mỹ và cả thế giới trong nhiều năm tới.

Một trong những chính sách gây tranh cãi nhất hiện nay là mức thuế phổ quát 10% mà ông Trump đã áp dụng từ ngày 2/4 đối với hầu hết hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ. Trong thời gian gần đây, Tổng thống Trump đã nhiều lần ám chỉ ý định nâng mức thuế này lên 15% hoặc cao hơn, điều có thể khiến giá cả tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng mạnh.

Theo các chuyên gia tại Đại học Yale, mức thuế quan hiện tại đã đưa thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ lên tới 18% - cao nhất kể từ năm 1934. Mỗi hộ gia đình Mỹ hiện phải chi thêm khoảng 2.400 USD mỗi năm vì các chính sách thuế này.

Cuối cùng, câu hỏi then chốt là: Liệu Tổng thống Trump có cho phép các mức thuế mới được triển khai đúng hạn vào ngày 1/8, hay sẽ trì hoãn như đã từng làm vào tháng 4?

Khi ông Trump công bố gói thuế quan hồi đầu tháng 4, thị trường chứng khoán đã lao dốc, với chỉ số giảm gần 20% chỉ trong một tuần. Nhưng nhờ những thỏa thuận sau đó với Trung Quốc và Nhật Bản, thị trường dần hồi phục, đưa niềm tin nhà đầu tư trở lại.

Dẫu vậy, chuyên gia CNN đánh giá rằng thỏa thuận tích cực gần đây với Nhật Bản cho thấy Nhà Trắng có thể đang muốn tránh đối đầu quá gay gắt với các đối tác lớn, do lo ngại thiệt hại kinh tế và phản ứng từ cử tri.

Ba quyết định về thuế phổ quát, thuốc và thời điểm triển khai sẽ là phép thử lớn nhất cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại mà ông Trump đang theo đuổi. Dù nhắm tới mục tiêu "Nước Mỹ trên hết", các chính sách này có thể đi kèm với rủi ro cao: tăng giá tiêu dùng, gián đoạn chuỗi cung ứng, tổn thất thị trường và ảnh hưởng đến uy tín quốc tế..

Mạnh mẽ, quyết đoán nhưng… khó đoán định

Trong cuốn sách The Madman Theory, nhà báo Jim Sciutto mô tả Tổng thống Trump là người ngày càng hành động một cách mạnh mẽ và quyết đoán. Điều này trái ngược với nhiệm kỳ đầu, khi các quan chức như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton hay Chánh Văn phòng John Kelly vẫn có thể ngăn ông đưa ra những quyết định táo bạo như rút khỏi NATO.

Giờ đây, Trump 2.0 không ngần ngại theo đuổi các quyết định gây tranh cãi. Sự bất định trong chính sách đối ngoại, đặc biệt với Ukraine và Trung Đông, khiến các đồng minh đôi khi hoài nghi về cam kết của Mỹ.

Chính quyền Trump 2.0: ‘Đảo chiều’ Trump 1.0, tái định hình nước Mỹ- Ảnh 4.

Tổng thống Trump (trái) phát biểu với những người chào đón ông ở đường băng sau khi bước xuống từ chuyên cơ Không lực Một, khi đến Sân bay Prestwick, phía nam Glasgow ngày 25/7/2025, ngày đầu tiên trong chuyến thăm Vương quốc Anh. (Ảnh: AFP)

Dù có vẻ mâu thuẫn, nhưng theo các chuyên gia, Tổng thống Trump trong Trump 2.0 được đánh giá là đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nhiều. Nữ phóng viên Kristen Holmes của CNN nhận xét rằng, ông Trump hiện tại hành động nhanh hơn, bài bản hơn. Sự thống nhất trong đội ngũ cố vấn, sự chủ động trong lập kế hoạch và những động thái "ra tay ngay từ ngày đầu" cho thấy ông Trump đã tận dụng bốn năm qua để thiết kế một bộ máy vận hành hiệu quả hơn.

Như nhà sử học Tim Naftali bình luận: "Chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ định hình lại hoàn toàn nước Mỹ - không giống bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào trước đó, kể cả chính nhiệm kỳ đầu của ông Trump".