Chỉ 5 người từng nhìn thấy màu sắc này

Các nhà nghiên cứu đã khiến 5 người tham gia nhìn thấy một màu sắc mắt người bình thường không thể nhận biết, là màu xanh ngọc lam với độ bão hòa đến mức “không thể có thật”.

Màu sắc “xanh lam pha lục” có độ bão hòa vượt xa bất kỳ thứ gì mắt người từng thấy. Họ gọi màu sắc này là “olo”. Ảnh: Deposit Photo.

Một màu xanh ngọc bất khả kiến, chưa từng tồn tại trong bất kỳ bảng màu nào vừa được ghi nhận là có thể nhìn thấy, nhưng chỉ với điều kiện là dùng laser chiếu trực tiếp vào võng mạc mắt người.

Theo bài báo công bố trên tạp chí Science Advances, nhóm nghiên cứu đã thành công giúp 5 người đầu tiên trong lịch sử loài người nhìn thấy một màu sắc vượt ra ngoài phổ thị giác thông thường.

Những người tham gia bao gồm chính các nhà khoa học đã nhìn thấy một màu “xanh lam - xanh lục”. Màu này có độ bão hòa chưa từng có đến mức bộ não con người chưa từng nhận được tín hiệu tương tự để tái hiện lại. Họ gọi nó là “olo”.

Theo Scientific American, con người thường có khả năng phân biệt gần 10 triệu màu, nhờ vào 3 loại tế bào nón trong võng mạc. Tế bào nón S (short) nhận biết ánh sáng bước sóng ngắn như màu xanh lam. Tế bào nón M (medium) cho bước sóng trung bình như xanh lục và nón L (long) phản ứng với bước sóng dài như đỏ. 3 tín hiệu này truyền về não để hợp thành hệ thống màu sắc phong phú chúng ta trải nghiệm hàng ngày.

Tuy nhiên, các tế bào nón này có vùng phản ứng chồng chéo nhau. Theo Giáo sư Ren Ng, chuyên ngành kỹ thuật điện và khoa học máy tính tại Đại học California, Berkeley, không có ánh sáng nào trong tự nhiên chỉ kích hoạt tế bào nón M mà không đồng thời tác động đến nón S hoặc L.

Điều này có nghĩa là trong điều kiện bình thường, mắt người không bao giờ chỉ gửi riêng tín hiệu từ nón M lên não. Đó chính là giới hạn cơ bản của hệ thị giác con người.

Mau chi 5 nguoi thay anh 1

Khi thêm ánh sáng trắng vào olo, tức là làm nhạt bớt màu, người tham gia thấy rằng màu mới trùng khớp với màu xanh mòng két. Ảnh: Science Advances.

Để vượt qua giới hạn đó, nhóm của Ren Ng đã phát triển một kỹ thuật đặc biệt họ gọi là “Oz”, lấy cảm hứng từ Thành Ngọc Bích trong cuốn tiểu thuyết Phù thủy xứ Oz.

Nhóm nghiên cứu vẽ bản đồ chi tiết võng mạc người để xác định từng tế bào nón là thuộc loại S, M hay L. Sau đó, họ sử dụng hệ thống laser cực kỳ chính xác, chiếu ánh sáng chỉ vào những tế bào M đã được định vị sẵn, cố tình tránh không kích hoạt 2 loại còn lại.

Song, kỹ thuật này không hề thân thiện với người dùng. Người tham gia phải ngồi trong phòng tối, cắn chặt một thanh để giữ đầu và mắt hoàn toàn bất động. Trong lúc đó, hàng loạt thiết bị như gương, gương biến dạng, bộ điều biến và cảm biến ánh sáng hoạt động quanh họ.

Trong số 5 người tham gia, 3 người là đồng tác giả của nghiên cứu, bao gồm chính Ren Ng. 2 người còn lại là các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington. Họ không được tiết lộ trước về mục đích thực sự của thí nghiệm.

Theo nhóm nghiên cứu, màu olo là “xanh lam - xanh lục với độ bão hòa vượt ngoài tưởng tượng”. Nó không giống bất kỳ màu nào có thể hiển thị trên màn hình máy tính. Màu gần nhất có thể là màu xanh mòng két (teal), đại diện bằng mã hex #00ffcc.

Nếu muốn hình dung olo, bạn cần tưởng tượng rằng mình đang chỉnh sửa màu xanh mòng két trên máy tính bằng cách giữ nguyên sắc độ, tăng dần độ bão hòa. Đến một điểm nhất định, màn hình không thể hiển thị được nữa. Nhưng bạn vẫn tiếp tục tăng độ bão hòa vượt xa mọi giới hạn tự nhiên, đó là lúc olo xuất hiện. Mắt người chỉ có thể cảm nhận nó nhờ ánh sáng laser được điều chỉnh tinh vi đến từng tế bào.

Trong ngắn hạn, kỹ thuật Oz có thể giúp những người bẩm sinh mù màu lần đầu tiên trải nghiệm được màu đỏ và xanh lục. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp chữa trị mà chỉ là trải nghiệm thị giác tạm thời. “Hiệu ứng của Oz chỉ thoáng qua. Nó không kéo dài vĩnh viễn”, Ng nói.

Những nhà khoa học tiên phong

"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.