Trước đó, ngày 13/4, bé P.C.A. (5,5 tháng tuổi, Đông Kỵ - Từ Sơn, Bắc Ninh) được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng suy hô hấp nặng (SpO₂ chỉ 80%), tím tái, nhịp tim 200 ck/phút.
Trẻ có tiền sử bệnh cơ tim giãn, suy tim mạn tính - một yếu tố nguy cơ cao khiến diễn tiến bệnh thêm phức tạp.
Kết quả chẩn đoán xác định bé nhiễm RSV, tổn thương phổi lan tỏa, sốc tim, suy thận cấp và toan chuyển hóa nặng (pH=7,1).
Mặc dù đã được điều trị tích cực bằng thở máy, thuốc vận mạch và các biện pháp nội khoa hỗ trợ, tình trạng bệnh vẫn không cải thiện. Bệnh nhân toan chuyển hóa nặng kéo dài.

Trẻ mắc RSV dẫn đến tình trạng nguy kịch (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
Trước nguy cơ tử vong rất cao, tua trực đã hội chẩn khẩn cấp với lãnh đạo khoa và Ban Giám đốc bệnh viện, đưa ra quyết định sống còn: can thiệp bằng kỹ thuật lọc máu liên tục (CRRT).
Ngay sau chỉ định, kỹ thuật lọc máu liên tục được triển khai. Chỉ sau 12 giờ, các chỉ số huyết động cải thiện rõ rệt, chức năng thận phục hồi, tim tiến triển tích cực.
Sau 48 giờ lọc máu và 6 ngày điều trị, bé được rút ống nội khí quản và hiện đã hồi phục tốt, sẵn sàng ra viện.
"Đây là một trong những ca bệnh nguy kịch nhất chúng tôi từng gặp. Nếu không can thiệp kịp thời, cơ hội sống gần như bằng không", ThS.BS. Lê Mạnh Trường, bác sĩ trực tiếp điều trị chia sẻ.
"Viêm tiểu phế quản do RSV thường gặp, nhưng với trẻ có nền bệnh tim mạn tính thì diễn tiến rất nhanh và khó lường.
Thành công trong ca bệnh này là minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của chiến lược hồi sức toàn diện - từ kỹ thuật cao đến sự phối hợp chuyên môn đồng bộ", BSCKII Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi nhấn mạnh.