Bát nháo đào tạo môi giới bất động sản: Nguy cơ môi giới không chuyên “thổi giá” gây sốt ảo thị trường

Việc nhiều cơ sở không chuyên đào tạo môi giới “chui” điều này tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện những môi giới không chuyên, dễ dẫn tới rủi ro cho khách hàng như: tư vấn sai pháp lý, môi giới đất không đủ điều kiện giao dịch, tiếp thị dự án “ma”, “thổi giá” gây sốt ảo thị trường,...

Bát nháo đào tạo môi giới bất động sản: Nguy cơ môi giới không chuyên “thổi giá” gây sốt ảo thị trường- Ảnh 1.

Việc đào tạo chui nguy cơ dẫn đến môi giới không chuyên hoạt động "lũng đoạn" thị trường bất động sản. (Ảnh: Int)

Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã chính thức bước vào chu kỳ mới, với nhiều tín hiệu khởi sắc từ đầu năm 2025. Trong làn sóng phục hồi này, lực lượng môi giới BĐS cũng đang ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, số lượng doanh nghiệp BĐS quay lại thị trường đã tăng tới 76% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp thành lập mới cũng ghi nhận tăng 15%, với trung bình mỗi tháng có khoảng 430 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường. Không chỉ gia tăng về số lượng, các doanh nghiệp BĐS cũng đẩy mạnh mở rộng quy mô, đặc biệt trong mảng môi giới, nhằm đón đầu các dự án chuẩn bị ra mắt. Từ đó kéo theo nhu cầu lớn về nhân lực môi giới, giúp số lượng người quay trở lại hành nghề hoặc mới tham gia thị trường tăng mạnh, ước tính lên đến hàng chục nghìn người.

Đáng chú ý, nhiều cá nhân hành nghề môi giới đã chủ động thích ứng với yêu cầu mới của thị trường. Họ nghiêm túc tham gia các khóa đào tạo chính quy, tích cực học tập và chuẩn bị cho kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định của pháp luật. Đây là nhóm môi giới có tinh thần cầu thị, hướng tới tính chuyên nghiệp và hoạt động đúng pháp luật.

Tuy nhiên, thị trường vẫn tồn tại một thực trạng đáng lo ngại: tình trạng “đào tạo chui”, môi giới hoạt động không có chứng chỉ, không qua đào tạo chuẩn hóa vẫn đang diễn ra phổ biến.

Không ít người tự nhận là môi giới BĐS dù chưa từng tham gia bất kỳ chương trình đào tạo chính thống nào, thậm chí tham gia các khóa học “chui”, thiếu nội dung, không được cơ quan chức năng công nhận. Đáng báo động hơn, một số đơn vị đào tạo dù nắm rõ các quy định pháp luật vẫn cố tình tổ chức hoạt động sai phép để trục lợi. Họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của học viên để dẫn dắt họ tham gia các khóa học đào tạo không đạt chuẩn, làm gia tăng rủi ro cho thị trường và ảnh hưởng đến uy tín của nghề môi giới BĐS.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 04/2024/TT-BXD, quy định rất rõ ràng và chặt chẽ về chương trình đào tạo khung cho môi giới BĐS và quản lý sàn giao dịch. Thông tư quy định mỗi chương trình đào tạo phải có tối thiểu 74 tiết học, với thời lượng mỗi tiết là 45 phút, bao gồm đầy đủ 32 tiết kiến thức cơ sở, 24 tiết kiến thức chuyên môn, 16 tiết thực hành tại sàn giao dịch, và 2 tiết kiểm tra cuối khóa. Điều này có nghĩa, mỗi học phần phải kéo dài ít nhất hơn 50 giờ học tập.

Tuy nhiên, thực tế tại một số đơn vị đào tạo hiện nay lại đang diễn ra tình trạng "đào tạo chui", vi phạm nghiêm trọng các quy định trên.

Nghiêm trọng hơn, dù thời lượng học bị cắt xén, các cơ sở này vẫn thu học phí đầy đủ, dao động từ 2 đến 2,5 triệu đồng/khóa học. Với chất lượng đào tạo như vậy, học viên không những bị thiệt hại về tài chính mà còn không được trang bị kiến thức hành nghề cơ bản, dễ trở thành nguồn nhân lực yếu kém, gây hệ lụy cho thị trường.

Đáng chú ý, các khóa học như trên lại rất “hút khách". Còn các khóa học được tổ chức bởi các đơn vị chuyên nghiệp, uy tín với nội dung giảng dạy chất lượng và sát với thực tế, lại kém thu hút, thậm chị bí học viên “chê" do yêu cầu khắt khe trong việc học và thi.

Hệ quả là xuất hiện ngày càng nhiều môi giới hoạt động không chuyên nghiệp, dễ dẫn tới rủi ro cho khách hàng như: tư vấn sai pháp lý, môi giới đất không đủ điều kiện giao dịch, tiếp thị dự án “ma”, “thổi giá” gây sốt ảo thị trường,...

Đây không chỉ là câu chuyện của một vài cơ sở đào tạo thiếu trách nhiệm, mà là mối đe dọa trực tiếp đến tính minh bạch và bền vững của cả thị trường BĐS.

Do đó, VARS cho rằng, các cơ quan chức năng cần lập tức vào cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi đào tạo sai trái này để chấm dứt tình trạng "thu tiền thật, đào tạo giả", bảo vệ quyền lợi của học viên và uy tín của thị trường đào tạo BĐS nói chung. Cụ thể, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần:

Thứ nhất, công khai danh sách các đơn vị đủ điều kiện đào tạo bồi dưỡng kiến thức cấp chứng chỉ hành nghề theo đúng Thông tư 04.

Thứ hai, thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở đào tạo, xử lý nghiêm hành vi tổ chức “đào tạo chui”.

Cuối cùng là đẩy nhanh tổ chức các kỳ thi sát hạch, không để khoảng trống khiến môi giới “nửa vời” tồn tại kéo dài.