Ẩn họa từ trào lưu gặp lại người thân đã mất bằng Google Maps

Trào lưu chia sẻ ảnh nhà cũ trên Google Maps gợi nhiều xúc động nhưng tiềm ẩn nguy cơ lộ thông tin riêng tư, dễ biến ngôi nhà của bạn thành mục tiêu của kẻ trộm.

Một khoảnh khắc viral trong trào lưu về thăm nhà cũ, gặp người thân đã mất bằng Google Maps trên TikTok.

Tại Việt Nam, trào lưu “quay ngược thời gian với Google Maps” bắt đầu nở rộ trên các mạng xã hội như TikTok, Facebook từ giữa năm 2025, khi nhiều người chia sẻ hình ảnh ngôi nhà cũ kèm ký ức về tuổi thơ hoặc người thân đã mất.

Nhiều bài đăng thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác vì gợi lại cảm xúc, khiến cộng đồng mạng xúc động trước những khoảnh khắc quen thuộc trong khung cảnh xưa. Không ít người còn xem đây như cách “hồi sinh” ký ức, khi hình ảnh trên Street View ghi lại khoảnh khắc 5-10 năm trước, giúp họ tìm lại kỷ niệm với người thân, vật nuôi hay góc phố đã thay đổi.

Tuy nhiên, trào lưu này từng lan truyền quốc tế vào cuối năm 2024 với một số cảnh báo về vấn đề bảo mật thông tin. Theo các chuyên gia, chính việc lan truyền rộng rãi hình ảnh ngôi nhà, biển số xe hoặc khung cảnh riêng tư có thể khiến thông tin cá nhân bị khai thác trái phép, trở thành lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng.

Tính năng làm mờ nhà

Trong khi trào lưu chia sẻ hình ảnh nhà cũ trên Google Maps đang lan rộng trên mạng xã hội, các chuyên gia an ninh cảnh báo xu hướng này có thể vô tình tạo điều kiện cho kẻ trộm thu thập thông tin nhạy cảm về nơi ở, từ lối ra vào, camera an ninh cho tới tài sản dễ thấy.

Năm ngoái, Ryan Railsback, sĩ quan cảnh sát tại Riverside (California, Mỹ), nói với ABC News rằng một số chủ nhà đã chủ động làm mờ hình ảnh nhà mình trên Google Street View để giảm rủi ro bị tội phạm nhắm tới. “Bọn tội phạm luôn tìm cách mới để tiếp cận thông tin, và Street View có thể trở thành công cụ giúp chúng xác định các điểm yếu an ninh, lối tiếp cận thuận tiện hoặc tài sản có giá trị”, ông cảnh báo.

Christopher Herrmann, giáo sư tại Trường Tư pháp Hình sự John Jay (Mỹ), khẳng định “những kẻ trộm chắc chắn muốn trinh sát kỹ lưỡng trước khi ra tay”. Qua Street View, chúng có thể xem xét camera, cửa sổ dễ đột nhập, thậm chí phán đoán giá trị tài sản qua phương tiện, đồ đạc trong sân.

anh google maps anh 1

Tính năng “làm mờ vĩnh viễn” cho phép chủ nhà có thể yêu cầu hệ thống làm mờ nhà cửa của mình. Ảnh: VICE.

Street View của Google cung cấp ảnh toàn cảnh 360 độ được chụp từ xe chuyên dụng. Trong đó, tính năng “làm mờ vĩnh viễn” (permanent blur) đã tồn tại từ lâu, cho phép chủ nhà yêu cầu Google che phủ ngôi nhà của mình. Để sử dụng, người dùng cần:

- Truy cập Google Maps trên máy tính (không dùng được qua ứng dụng điện thoại).

- Tìm địa chỉ nhà, bật chế độ Street View.

- Nhấp “Report a problem” (Báo cáo sự cố) ở góc dưới bên phải.

- Điền form chỉ định khu vực cần làm mờ (nhà, xe, khuôn mặt…).

Google sẽ xác minh và thực hiện làm mờ vĩnh viễn. Một khi đã áp dụng, không thể hoàn tác.

Phía Google xác nhận: “Street View giúp mọi người khám phá thế giới, nhưng chúng tôi tạo điều kiện cho bất kỳ ai làm mờ ngôi nhà của mình để bảo vệ quyền riêng tư”.

Vô tình “gây chú ý”

Năm 2019, CNN đưa tin Google đồng ý trả 13 triệu USD để dàn xếp một vụ kiện tập thể vì đã thu thập thông tin cá nhân trái phép qua dự án Street View. Vụ kiện bắt đầu năm 2010, khi Google thừa nhận xe chụp hình phố đã thu được email, mật khẩu và dữ liệu WiFi của người dân ở hơn 30 quốc gia.

Mặc dù nhiều người nghĩ Google sẽ phải trả hàng tỷ USD vì vi phạm luật liên bang, thỏa thuận lần này chỉ bồi thường cho 22 người đầu tiên kiện, còn những người khác sẽ không nhận được tiền. Số tiền còn lại sẽ gửi cho 8 tổ chức chuyên bảo vệ quyền riêng tư.

Google cũng phải tiêu hủy dữ liệu đã thu thập, cam kết không thu thập dữ liệu WiFi nếu không được phép, và làm video, trang web hướng dẫn người dân bảo vệ WiFi của mình. Trước đó, năm 2013, Google cũng từng phải trả 7 triệu USD trong vụ việc tương tự.

anh google maps anh 2

Xe chụp hình đường phố chuyên dụng của Google. Ảnh: Google.

Dù phương án làm mờ có thể giảm rủi ro bị kẻ xấu trinh sát, các chuyên gia cũng cảnh báo nếu chỉ duy nhất một ngôi nhà trên dãy phố bị làm mờ, điều này có thể khiến kẻ gian nghi ngờ rằng chủ nhà đang cất giữ tài sản giá trị hoặc có lỗ hổng an ninh cần giấu kín. “Việc làm mờ nhà có thể trở thành tín hiệu đỏ thu hút sự chú ý thay vì che giấu”, Herrmann nhận định.

Dữ liệu từ Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy trộm đột nhập vẫn khá hiếm, chỉ dưới 1% hộ gia đình Mỹ bị trộm mỗi năm (số liệu 2019). Tuy nhiên, Railsback khuyến cáo nếu cảm thấy bất an hoặc sở hữu tài sản dễ bị kẻ gian chú ý, chủ nhà nên cân nhắc sử dụng tính năng làm mờ.

Ngoài ra, trào lưu chia sẻ ảnh nhà cũ trên Google Maps, với hình ảnh được lưu lại từ nhiều năm trước, có thể vô tình tiết lộ thông tin nhạy cảm: biển số xe, hình ảnh người thân, thậm chí địa chỉ và bố trí mặt tiền. Trong nhiều trường hợp, các bức ảnh cũ còn cho thấy thời điểm chưa lắp đặt hệ thống an ninh, làm lộ điểm yếu tiềm tàng.

Bởi vậy, bên cạnh sự xúc động khi thấy lại kỷ niệm, người dùng nên cân nhắc kỹ trước khi chia sẻ rộng rãi hình ảnh “quá khứ” của nhà mình, để tránh tự biến bản thân thành mục tiêu cho những kẻ trộm đang săn lùng thông tin qua không gian mạng.

Google Maps và Street View là công cụ hữu ích, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ nếu bị lạm dụng bởi kẻ xấu. Việc làm mờ nhà là một biện pháp bảo vệ riêng tư cần được thực hiện cẩn trọng, đồng thời người dùng nên hạn chế công khai hình ảnh địa chỉ hoặc chi tiết bên ngoài ngôi nhà, đặc biệt khi tham gia các trào lưu chia sẻ “du hành thời gian” trên mạng xã hội.

'Thế hệ lo âu'

Theo nhà tâm lý học xã hội Jonathan Haidt, trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay phải đối mặt với một loại áp lực mà các thế hệ trước không hề biết đến: áp lực từ những lượt thích, bình luận và sự so sánh không hồi kết trên mạng xã hội. Điều này tạo ra một vòng xoáy độc hại, nơi lòng tự trọng bị gắn chặt với những con số ảo thay vì giá trị thực tế.